Ở khía cạnh nào đó, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn và phần nào hưởng lợi khi hàng hóa đa dạng. Tuy nhiên, cơn bão ấy khiến thị trường nội địa bị ảnh hưởng không ít, mà các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước hầu như chịu tác động đầu tiên.
Start up Việt chú trọng sản phẩm đặc thù
Đứng sau nhiều thương hiệu với hơn 150 mã hàng (nước lau sàn, tinh dầu thơm, tinh dầu đuổi muỗi…) trên các sàn thương mại điện tử, anh Trần Lâm – nhà sáng lập Julyhouse và Macaland – cảm nhận rõ khó khăn mà doanh nghiệp của mình đang phải đối diện trước làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc.
Nhà start up Việt như anh từng đặt câu hỏi: “Doanh nghiệp Việt muốn tồn tại, ngoài các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTokshop, có thể lên sàn Temu, Shein hay TaoBao nhưng đâu là lợi thế cạnh tranh?”. Và chính anh cũng tự trả lời muốn có lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp cần tập trung vào một số sản phẩm đặc thù. Chưa kể sản phẩm ấy phải tận dụng được lợi thế nguồn lực nội địa, tay nghề thủ công, giá trị văn hóa…
Việt Nam vốn có lợi thế về nông sản chất lượng từ cà phê, hạt điều, hạt mắc ca, các loại trái cây nhiệt đới, dầu dừa, tinh dầu tràm, tinh dầu chanh sả. Từ đó, Julyhouse tập trung phát triển các dòng sản phẩm mỹ phẩm, chăm sóc gia đình từ nông sản và những gì thiên nhiên Việt đang ưu đãi. Muốn cạnh tranh được với hàng Trung Quốc từ chất lượng đến giá cả, anh Lâm tập trung hơn vào khâu đóng gói theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nhìn nhận một cách tích cực, việc các sàn thương mại điện tử Trung Quốc vào Việt Nam cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận tệp khách hàng mới. Nên nếu người dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và an toàn cho sức khỏe, Julyhouse đã và sẽ tập trung vào yếu tố đó. Nghĩa là sẽ đầu tư hơn vào các dòng sản phẩm bắt nguồn từ nguyên liệu chuẩn sạch hữu cơ, thuần tự nhiên.
Dù đối diện nhiều thách thức nhưng doanh nghiệp vẫn quyết xuống tiền, đổ quân đầu tư mở rộng sản xuất, vùng nguyên liệu, chú ý xây dựng thương hiệu, cải thiện chuỗi cung ứng và logistics cũng như vấn đề chăm sóc khách hàng hơn trước.
Anh TRẦN LÂM
Tái chế, dùng nguyên liệu bền vững
Anh Hoàng Dũng – đại diện một công ty khởi nghiệp về đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ tại TP.HCM – tâm sự đang nhìn thấy một số đốm sáng sau cơn bão hàng giá rẻ Trung Quốc quét qua.
Thay vì chạy theo các đơn đặt hàng công nghiệp số lượng lớn, công ty tập trung vào các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có chất lượng và mang đậm nét văn hóa truyền thống “rất Việt Nam”.
Anh Dũng tiết lộ nguyên liệu chính không còn là gỗ nữa, mà thay bằng tre, nứa, mây, thậm chí là sành sứ, sẽ dễ dàng lấy được cảm tình người dùng trong và ngoài nước vì mang tính bền vững hơn. Cạnh đó, một phần nhân công sản xuất là nhóm người khuyết tật yếu thế mà anh liên kết, tìm kiếm từ các trung tâm bảo trợ xã hội. Cuộc thay đổi mạnh mẽ từ sản phẩm đến nguyên liệu chính là muốn theo đuổi bộ tiêu chuẩn ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp).
Cái khó cho doanh nghiệp chính là việc chứng minh, kể câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm mà phải hội đủ các yếu tố từ chất lượng, môi trường, xã hội lẫn uy tín doanh nghiệp. “Hy vọng có thể giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt lớn trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc vốn đã tràn ngập sản phẩm sản xuất hàng loạt”, anh Hoàng Dũng nói.
Trong khi đó, bạn Yến Nhi – bà chủ một start-up còn khá non trẻ trong lĩnh vực thời trang tại TP.HCM – nói cũng đang phải tự chuyển mình khá nhiều để thích nghi với giai đoạn mới của thị trường bán lẻ phụ thuộc phần lớn vào các sàn thương mại điện tử.
Yến Nhi kể, dù đã chọn ngách nhỏ là thời trang thủ công (áo dài, khăn quàng, phụ kiện thời trang thủ công…) vốn ít chịu ảnh hưởng, ít người theo nhưng đơn hàng bốn tháng qua liên tục giảm.
Qua rồi thời huy hoàng tính bằng ngàn đơn mỗi tháng, giờ có được mỗi tháng vài trăm đơn đã là mừng.
Nhưng Yến Nhi cho biết vẫn rất tự tin vào lựa chọn của mình. Bạn sẽ vẫn trung thành theo lối cũ nhưng nâng cấp sản phẩm với các điểm nhấn hướng đến phân khúc khách hàng trung và cao cấp.
“Ngoài nổi bật về chất liệu tái chế để giảm thiểu lãng phí còn là các sản phẩm thủ công từ nghệ nhân Việt. Đây sẽ là yếu tố mà các sản phẩm thời trang nước ngoài sản xuất hàng loạt không dễ gì có được”, Yến Nhi chia sẻ.
Bà chủ kiêm luôn diễn viên
Bảo Hân – chủ một start-up về thời trang tái chế – kể từ ngày các sàn thương mại điện tử Trung Quốc rầm rộ đổ quân vào thị trường trong nước, cô phải đầu tư nhiều hơn để sản phẩm của mình nổi bật trên không gian mạng và các sàn thương mại điện tử. Nhưng chỉ là một start-up nhỏ gầy dựng từ sở thích cá nhân, Hân không đủ lực chi cho những hợp đồng truyền thông như các thương hiệu lớn đang làm.
Thay vào đó, bà chủ trẻ tự hóa thân thành diễn viên, người mẫu, KOL lẫn KOC… trong mỗi clip ngắn tự quay về sản phẩm của mình có lồng ghép nội dung, câu chuyện từ đời sống, các trend trên mạng. Cách này phần nào có khả năng lan tỏa, tạo sự tương tác với người dùng, cũng giúp tối giản chi phí quảng bá sản phẩm song vẫn đạt hiệu quả kinh doanh như kỳ vọng.
“Tôi chọn kể câu chuyện xoay quanh các nguyên liệu, quá trình sản xuất và tái chế chúng để tạo ra sản phẩm. Nhiều clip cũng nổi lắm nên mới mong cạnh tranh được với hàng ngoại á”, Hân khoe.