Những cuộc trò chuyện với cha mẹ là một phần quan trọng trong quá trình trưởng thành, dù đó là về tình bạn, điểm số, sức khỏe tinh thần hay chuyện tình cảm.
Tuy nhiên, một khảo sát mới của Gallup cho thấy dù ít nhất 80% gen Z nói rằng những cuộc trò chuyện này rất hữu ích, cha mẹ của họ lại né thảo luận.
Khoảng cách trò chuyện giữa cha mẹ và gen Z
Khảo sát ở Mỹ dựa trên phản hồi từ 1.675 cặp, bao gồm trẻ em từ 10 – 18 tuổi, và một trong hai phụ huynh của trẻ. Kết quả cho thấy hầu hết các bậc cha mẹ đều lo lắng cho con cái. 80% phụ huynh cho biết họ lo lắng về ít nhất một khía cạnh trong cuộc sống của con mình.
Những mối quan tâm hàng đầu bao gồm tương lai (42% phụ huynh), sức khỏe tinh thần (40%), trải nghiệm ở trường (40%) và an toàn cá nhân (40%).
Trung bình, cha mẹ đơn thân lo lắng nhiều hơn so với các cặp cha mẹ đầy đủ (44% so với 32%). Các cha mẹ là người da đen hoặc gốc Tây Ban Nha lo lắng nhiều hơn so với mức trung bình (41% và 40% so với 32%).
Các bậc cha mẹ cũng cho biết họ dễ dàng trao đổi về điểm số của con cái (78%), sự an toàn (76%), việc sử dụng chất kích thích (75%), và tình bạn (73%). Tuy nhiên, tỉ lệ này giảm khoảng 20% khi nói đến mạng xã hội và cảm xúc.
Đôi khi phụ huynh có thể không muốn thảo luận về các chủ đề khó nhằn, ngay cả khi họ cảm thấy đó là những chủ đề quan trọng. 74% phụ huynh lo lắng về việc con mình sử dụng mạng xã hội và cảm thấy dễ nói chuyện. Trong khi đó, có 44% phụ huynh lo lắng nhưng thấy chủ đề này khó thảo luận.
Ngoài ra, 53% cha mẹ lo lắng về cách con cái thể hiện cảm xúc. Tuy nhiên, họ cảm thấy khó nói và thường chờ đến phút cuối mới bày tỏ suy nghĩ.
Cha mẹ “không tự tin” khi nói chuyện với con về tiền bạc
Cuối tháng 11-2024, một nghiên cứu mới cũng tiết lộ nhiều bậc cha mẹ đang tránh trò chuyện về tiền bạc với con cái, vì ngại họ sẽ đưa ra lời khuyên không tốt. Khảo sát cho thấy có đến 85% phụ huynh lo ngại rằng họ có thể truyền đạt kiến thức tài chính kém đến con mình, dẫn đến việc hoàn toàn né tránh các cuộc thảo luận về vấn đề tiền bạc.
Khảo sát thực hiện trên 2.000 phụ huynh có con trong độ tuổi từ 10 – 20, phát hiện rằng một số lượng lớn cha mẹ không tự tin về kỹ năng tài chính của bản thân.
Hầu hết phụ huynh cho biết họ không chắc chắn về cách đầu tư, lập ngân sách, và quản lý điểm tín dụng. Vì vậy họ cảm thấy không đủ khả năng để giải thích những khái niệm này cho con cái.
Khi nhìn lại kinh nghiệm của bản thân, 76% cha mẹ mong rằng họ đã được học về tài chính nhiều hơn khi còn nhỏ. Do đó hơn một nửa số phụ huynh mong muốn trang bị cho con cái khởi đầu tốt nhất về tài chính.
Tuy nhiên, 41% cha mẹ vẫn tránh nói về những sai lầm tài chính trong quá khứ, và 66% cho rằng việc giáo dục tài chính nên được dạy ở trường thay vì ở nhà.
Theo chuyên gia tài chính Tayo Oguntonade, người trẻ thường xem cha mẹ là người có thẩm quyền. Mặc dù cha mẹ thường muốn bảo vệ con khỏi những sai lầm tài chính của mình, việc né tránh những cuộc thảo luận này cuối cùng có thể gây hại nhiều hơn.
“Thảo luận về tiền bạc từ sớm sẽ trang bị cho trẻ kỹ năng thực tế và sự hiểu biết đúng đắn về tài chính, giúp các em có một tương lai tài chính tươi sáng hơn”, ông khuyên.