AI: Trợ thủ hay ‘sát thủ’?

Một sinh viên dùng ChatGPT – Ảnh: TR.NHÂN

Theo các chuyên gia, AI là trợ thủ hay “sát thủ” phụ thuộc vào người dùng.

Ngày càng nhiều ứng dụng AI được sinh viên sử dụng cho việc học. Có bạn dùng đến 4-5 phần mềm AI như những trợ lý ảo cho nhiều học phần.

Công cụ hữu hiệu

Hoàng Ngân đang là sinh viên năm 2 chương trình cử nhân tài năng của Viện ISB (ĐH Kinh tế TP.HCM). Toàn bộ các học phần của Ngân được dạy bằng tiếng Anh, nên Ngân sẽ cần đến dăm ba phần mềm AI để làm trợ thủ.

Chẳng hạn khi phải viết tiểu luận, Ngân hay dùng ChatGPT hoặc Bing để tìm ý và lên dàn bài. Thay vì phải gõ từ khóa như trên Google rồi vào từng trang kết quả để đọc và chắt lọc ý, thì bạn sẽ viết vài câu lệnh, “nhờ” các chatbot này tổng hợp thông tin. Ngân sẽ bám theo ý chính mà tìm thêm thông tin chưa rõ hoặc mở rộng phần cần tìm hiểu thêm. Bên cạnh đó, vì phải thường xuyên viết bài bằng tiếng Anh, Hoàng Ngân dùng thêm Quillbot để kiểm tra lỗi ngữ pháp, chính tả…

Thanh Tùng, sinh viên năm 3 ngành marketing, Trường ĐH Văn Lang, cũng xài nhiều công cụ AI trong nhiều tình huống. Tần suất phải nhờ cậy đến AI của bạn khá cao, hầu như mỗi ngày. Cụ thể, các chatbot như ChatGPT và Bard được Tùng áp dụng hỗ trợ tìm kiếm và chọn lọc thông tin.

“Khi thuyết trình, đặc biệt bằng tiếng Anh, mình dùng AI để tìm các bài báo nghiên cứu khoa học và tin tức. Vì sử dụng bản ChatGPT 3.5 không phải trả phí nên nguồn kiến thức của nó chỉ được cập nhật đến tháng 1-2021. Tuy có hơi bất cập, nhưng nhờ AI mà mình đã tiết kiệm được khá nhiều thời gian tìm tài liệu” – Tùng chia sẻ.

Ngoài ra, Tùng kể trong khi thuyết trình sẽ có phần tương tác, đặt câu hỏi giữa các nhóm, nên nếu nhận được câu hỏi mà Tùng chưa biết trả lời thế nào, bạn sẽ nhờ chatbot Bard tư vấn. Nếu Bard cũng “bó tay”, Tùng hỏi tiếp các chatbot Bing hoặc ChatGPT.

Còn nếu trên lớp thầy cô giảng bài quá nhanh mà Tùng không theo kịp, bạn sẽ ghi âm lại rồi về rã băng bằng phần mềm Memobot để đảm bảo không sót thông tin. Bên cạnh đó, nếu cần viết luận bằng tiếng Anh và kiểm tra lỗi chính tả, Tùng dùng Grammarly, giúp hạn chế những lỗi từ vựng, ngữ pháp và bản thảo sẽ “sạch” hơn.

Cần biết điểm mạnh, điểm yếu

PGS.TS Phạm Vũ Phi Hổ, phó trưởng khoa ngoại ngữ Trường ĐH Văn Lang, nhận thấy trong các học phần tiếng Anh, sinh viên đang sử dụng khá nhiều ứng dụng AI như ChatGPT, Grammarly, Quillbot… Các ứng dụng sẽ cho sinh viên những kênh tham khảo, chẳng hạn về cách dùng từ, cách đặt câu, cách triển khai ý tứ, cách hành văn.

“Nhưng không phải không có thiếu sót. Một số bài viết luận tiếng Anh do ChatGPT viết có thể thiếu tính liên kết, một vài ý bị trùng lặp. Một số chỗ sẽ thiếu độ sâu nếu là vấn đề mang tính chuyên môn. Vì thế, đọc bài là biết sinh viên viết hay AI viết. Một bài do ChatGPT làm từ đầu đến cuối có thể sẽ không được cho điểm vì không có công sức đóng góp gì của các bạn” – ông Hổ nói.

Với các phần mềm AI đang được sinh viên dùng, PGS.TS Phạm Vũ Phi Hổ lưu ý sinh viên cần biết cách đối chiếu và đặt câu hỏi vì sao. Chẳng hạn khi được Grammarly, Quillbot sửa một lỗi chính tả, một cách diễn đạt, sinh viên nên tự hỏi vì sao sửa như thế, mình mắc lỗi gì hay liệu thực tế mình có sai hay không. Nếu truy vấn được một lần nữa các kết quả từ AI đưa ra, sinh viên sẽ học được rất nhiều và tiến bộ rất nhanh.

PGS.TS Đinh Điền, giám đốc Trung tâm ngôn ngữ học tính toán, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết sau ChatGPT, hàng loạt các chatbot mới đã ra đời trong năm 2023, mà mới nhất là bản thử nghiệm thế hệ chatbot Gemini của Google vừa được ra mắt vào đầu tháng 12.

“Dù không thể phủ nhận các khả năng vượt trội của chatbot trong tìm kiếm thông tin, nhưng khi dùng tất cả các ứng dụng đang có, chúng tôi thấy một hạn chế lớn của chúng là trả lời một số câu hỏi về Việt Nam. Những câu hỏi về lịch sử, văn hóa Việt Nam, các chatbot thường trả lời sai. Hoặc các câu hỏi về phân tích tiếng Việt, giải nghĩa thơ văn cũng nhận về các câu trả lời vòng vo, không đúng trọng tâm” – ông Điền nói.

Từ đó, PGS.TS Đinh Điền lưu ý sinh viên khi dùng AI cho việc học trước hết hãy tìm hiểu đâu là điểm mạnh, điểm hạn chế của các công cụ này. Nếu biết một lĩnh vực nào đó không phải là thế mạnh của ứng dụng AI, sinh viên bắt buộc có những bước kiểm tra chéo hoặc đối chiếu với những tư liệu khác để tránh sai sót.

Dùng AI để luyện thi IELTS

Trương Quang Nhật (27 tuổi), hiện là giáo viên IELTS tại thành phố Bắc Ninh, cho biết trong quá trình giảng dạy, bạn có giới thiệu chatbot và cách sử dụng để học viên có thể tra cứu và tổng hợp thông tin. Học viên được luyện các câu hỏi để cho ra các kết quả phù hợp nhất.

Chưa hết, nhiều học viên còn tự dành thời gian để “dạy” cho chatbot AI thành một người luyện thi IELTS. Cụ thể, các bạn đưa cho ChatGPT hay Bard những đoạn văn phần viết (Writing) của IELTS lần lượt đạt các điểm số 6.5, 7.5, 8.5 và yêu cầu chatbot học cách viết, cách dùng từ đúng theo thang điểm này.

Sau khi “học” xong, ChatGPT và Bard sẽ “trả bài” bằng cách viết những đoạn văn khác tương ứng với những thang điểm trên.

“Giáo viên chính là kênh đối chiếu tốt nhất để nhận xét kết quả làm bài của bạn từ việc dùng AI có chỗ nào tích cực, chỗ nào còn hạn chế. Người học sẽ mở rộng được nhiều góc nhìn cho mình hơn” – Nhật nói.

Phải chọn lọc

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trong những bài tập lập trình, sinh viên thường học hỏi một số đoạn code từ các ứng dụng AI. Các thầy cô không quá khắt khe, và sinh viên được quyền áp dụng một số đoạn code mẫu.

Tuy nhiên vấn đề là sinh viên cần biết chọn lọc và áp dụng để giải được đầu bài giảng viên đưa ra. Ngược lại, những sinh viên áp dụng các kết quả từ AI một cách không tư duy sẽ thường rất dễ “lộ” trong quá trình chấm điểm hoặc thuyết trình, vì sẽ phát sinh nhiều chỗ bất hợp lý trong bài làm.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *