‘Vẽ’ bản đồ nổi cho môn lịch sử, địa lý

Mất gần nửa năm để hoàn thành sản phẩm, Thế Trung tin bản đồ sẽ giúp ích được cho các em trong quá trình học tập – Ảnh: BẢO TRÂN

Với đề tài “Xây dựng bản đồ nổi trong môn lịch sử và địa lý lớp 8 dành cho học sinh khiếm thị”, Lê Thế Trung cùng Trương Nhân Minh (sinh viên năm 3 khoa địa lý Trường đại học Sư phạm TP.HCM) đã đoạt giải nhất Giải thưởng sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka lần thứ 26 năm 2024 ở lĩnh vực khoa học giáo dục vừa qua.

Khi tìm hiểu đề tài, Thế Trung cùng Nhân Minh đã khảo sát các đề tài tương tự của người đi trước. Mất ba tháng để cả hai tìm hiểu, nghiên cứu và tham khảo từ giảng viên hướng dẫn. Nhưng công đoạn cực nhất vẫn là khoảng thời gian cả hai đi tìm vật liệu để làm nên các thành phần của bản đồ.

Để đảm bảo được độ xúc giác khi các em khiếm thị sờ vào và nhận biết, nhóm nghiên cứu cần tìm những chất liệu khác nhau để làm các thành phần của bản đồ. Nhưng những loại giấy xúc giác trên thị trường Việt Nam vẫn chưa đa dạng, nên nhóm phải tự sử dụng những chất liệu khác: ren, lưới gói hoa, cườm…

'Vẽ' bản đồ nổi cho môn lịch sử, địa lý - Ảnh 2.

Bản đồ được chú thích chi tiết với các chất liệu nổi khác nhau – Ảnh: BẢO TRÂN

Bản đồ lịch sử và địa lý chủ yếu là hình ảnh, vậy nên, nhóm nghiên cứu phải vẽ lại bản đồ từ sách giáo khoa bằng phần mềm trên máy tính. 

Nhân Minh bộc bạch: “Mỗi buổi chiều, sau khi tan học là chúng mình lại mày mò để vẽ được bản đồ”. Nhiều lúc về đến nhà đã là 23h30, các bạn lại cặm cụi làm bài tập trên trường.

Lần đầu thử sức với việc làm bản đồ nổi, nhóm nghiên cứu phải làm lại nhiều lần bởi nhiều lý do: in không nổi chữ, chất liệu sử dụng cho bản đồ chưa đủ độ nổi để các em sờ được… 

Có nản, có ý định dừng lại nhưng hai bạn luôn động viên nhau hoàn thành nốt đề tài bởi đây không chỉ là sự nỗ lực của nhóm mà còn là sự hỗ trợ từ nhiều người xung quanh.

Đó là sự hỗ trợ trang thiết bị từ Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, từ máy móc đến giấy in. In ra thành sản phẩm, các bạn phải kiểm định lại tính chính xác của bản đồ và công đoạn dò lỗi được chính các em khiếm thị hỗ trợ nhóm.

Và xuyên suốt hành trình này, nhóm nghiên cứu mong muốn chia sẻ câu chuyện của các em khiếm thị đến mọi người bởi Thế Trung khẳng định: “Mất đi ánh sáng không đáng sợ bằng mất đi ánh sáng giáo dục”.

Không muốn nghiên cứu chỉ dừng lại ở một đề tài dự thi, Thế Trung đã ấp ủ một dự án khác nhằm hỗ trợ thầy cô giáo các trường chuyên biệt trong quá trình chuyển đổi sách, truyện. Từ ý định đó, dự án Đông tan hình thành.

Ở dự án này, Trung cùng hơn 100 bạn tình nguyện viên sẽ thực hiện việc chuyển đổi, in ấn và làm đồ chơi cho học sinh khiếm thị. Dự kiến tháng 1-2025, sách sẽ dần hoàn thành và được nhóm trao tặng đến các em.

'Vẽ' bản đồ nổi cho môn lịch sử, địa lý - Ảnh 4.Máy in chữ nổi cho người khiếm thị

Cùng ước muốn hỗ trợ học sinh khiếm thị có thêm điều kiện học tốt hơn, nhóm 5 sinh viên tại Đà Nẵng đã tìm tòi tạo ra chiếc máy in chữ nổi Braille dành cho người khiếm thị.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *