Ngày 11-7, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu Nga “khẩn trương rút quân đội và các nhân viên không được phép khác” khỏi Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, và trả lại nhà máy này cho chính quyền Ukraine kiểm soát hoàn toàn, theo Hãng tin Reuters.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết với 99 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 60 phiếu trắng.
Nghị quyết trên cũng “kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công của Liên bang Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine, vốn làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc sự cố hạt nhân tại tất cả các cơ sở hạt nhân của Ukraine”.
Nghị quyết được thông qua vào ngày 11-7 một lần nữa yêu cầu Nga ngay lập tức chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine và “rút toàn bộ lực lượng quân sự vô điều kiện”.
Nhà máy Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Nga đã kiểm soát nhà máy này ngay sau khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng 2-2022.
Nhà máy đã đóng cửa, nhưng cần nguồn điện bên ngoài để giữ mát cho vật liệu hạt nhân và ngăn chặn các sự cố.
Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya đã kêu gọi các nước ủng hộ nghị quyết. Ông nói: “Chúng ta nợ điều này với các thế hệ tương lai. Chúng ta phải đảm bảo rằng nỗi kinh hoàng của thảm họa hạt nhân sẽ không lặp lại”.
Trong suốt cuộc xung đột hơn 2 năm qua, Ukraine và Nga đã cáo buộc lẫn nhau về việc pháo kích nhà máy điện hạt nhân này và phá đường dây điện. Ukraine đã bác bỏ cáo buộc của Nga, nói rằng nước này không tấn công các cơ sở hạt nhân.
Tuy nhiên, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trước cuộc bỏ phiếu, Phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyanskiy cáo buộc mục đích của nghị quyết là “cố gắng thúc đẩy câu chuyện sai lệch của phương Tây về nguồn gốc của các mối đe dọa đối với các cơ sở hạt nhân ở Ukraine”.
Ông còn cho biết đã xuất hiện “mảnh vỡ của một chiếc máy bay không người lái Ukraine được sử dụng để tấn công Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vào ngày 7-4”. Phía Ukraine đã phủ nhận thông tin họ đứng sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mà ông Polyanskiy nhắc đến.