Tối 18-12, Trường cao đẳng Du lịch Sài Gòn phối hợp Hiệp hội Xuất khẩu trứng và gia cầm Mỹ (USAPEEC) tổ chức cuộc thi chế biến ẩm thực. Đáng chú ý tại cuộc thi có giám khảo đến từ Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới.
Học “đầu bếp mẹ” làm món gà áp chảo
Từ nguyên liệu chính là gà, 12 đội thi, mỗi đội 2 sinh viên, sẽ sáng tạo các món ăn trong vòng 60 phút để chinh phục 3 vị giám khảo là các đầu bếp nổi tiếng trong và ngoài nước.
Thời gian được ban tổ chức quy định chỉ có 60 phút. Mỗi đội sẽ phải “chạy đua” thực hiện tất cả các công đoạn từ sơ chế đến nấu nướng, trình bày đúng trong thời gian này, tuy nhiên vẫn sẽ phải giữ được chất lượng của món ăn theo một số tiêu chuẩn của món ăn ‘5 sao’.
Theo ban tổ chức, áp lực cho các thí sinh là làm sao biến tấu được một nguyên liệu quen thuộc là gà thành một món ăn không chỉ ngon mà còn thể hiện được chất riêng đội thi của mình.
Luôn tay luôn chân trong suốt thời gian, sinh viên Trần Trường Giang, ngành kỹ thuật chế biến món ăn, cho biết nhóm của bạn mang đến cuộc thi món gà cuộn xốt tiêu đen.
So với những loại thịt khác, cuộn và định hình thịt gà là khó nhất. Tuy nhiên nếu làm được kỹ thuật này, món ăn của nhóm bạn chắc chắn sẽ được điểm cao. “Vì vậy mình dành khá nhiều thời gian để cuộn, định hình thịt gà bằng nhiều lớp trước khi cho vào nấu”, Giang nói.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Trường Duy cùng đồng đội chọn làm món gà quay áp chảo. Duy nói đây là món của mẹ thường làm cho bạn từ những ngày còn nhỏ.
Trước khi tham gia cuộc thi, bạn về tham khảo “bí quyết” của mẹ. Thế là mẹ nhắc nhỏ Duy khi vào thi nhớ cho thêm một ít nước cốt dừa ngay khi tắt bếp để món có vị và mùi hấp dẫn hơn.
“Gia đình từng khuyên mình không nên đi học nghề bếp, muốn mình đi học giáo viên. Lúc đó mình đã mất nhiều công sức để thuyết phục. Bây giờ thì nhà mình cũng đã thấy được và chấp nhận niềm đam mê của mình”, Duy nói.
Các nhóm sinh viên có 60 phút để hoàn thành món ăn của mình – Ảnh: TRỌNG NHÂN
Còn sinh viên Nguyễn Thị Huế Trân cùng đồng đội là bạn Nguyễn Tấn Thiện làm món gà áp chảo vị Tây Bắc, ăn kèm xôi nếp nương và xốt chanh dây. Để chuẩn bị món này, Trân phải đặt mua hạt mắc khén từ ngoài Bắc.
Bởi theo các bạn đây là nguyên liệu quan trọng nhất để món ăn có hương vị đặc trưng của vùng Tây Bắc Việt Nam. “Mình rất muốn sau này có thể đưa ẩm thực của nhiều vùng miền Việt Nam ra thế giới”, Trân nói.
Món ăn của sinh viên Huế Trân và Tấn Thiện được chấm giải nhất chung cuộc. Hai bạn sẽ tham gia cuộc thi toàn quốc, tranh tài cùng các sinh viên từ những vùng miền khác sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng trong thời gian tới.
Giám khảo bất ngờ
Bếp trưởng Norbert Ehrbar, thành viên Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới, cho biết mình vô cùng bất ngờ về chất lượng của các sinh viên Việt Nam trong cuộc thi.
Các bạn có kỹ thuật chế biến món ăn rất tốt, nắm vững được các nguyên tắc và các cách phối hợp giữa các nguyên liệu.
“Đặc biệt, sinh viên Việt Nam rất giỏi trong việc sáng tạo các món ăn, có thể kết hợp các nguyên liệu phương Tây như gà Mỹ với các nguyên liệu sẵn có ở các vùng miền Việt Nam để cho ra những món ăn mới lạ, độc đáo”, ông Norbert Ehrbar nói.
Ông Norbert Ehrbar cho biết sau dịch COVID-19, nhiều nhà hàng khách sạn trên thế giới đang ghi nhận sự thiếu hụt nhân lực trong ngành dịch vụ nói chung và bộ phận bếp nói riêng. Vì vậy, cơ hội cho các sinh viên Việt Nam có thể làm việc cho những tập đoàn hàng đầu là rất lớn.
Theo ông, sinh viên Việt Nam trong ngành bếp được đánh giá cao bởi sự cần cù, chịu khó. Dù vậy, ông dành lời khuyên để tiến xa trong sự nghiệp, các bạn nên không ngừng học hỏi. Học không bao giờ là đủ và mỗi ngày đều phải trăn trở về những sáng tạo mới.
“Nên nhớ rằng trường học chỉ cho các bạn những kiến thức nền tảng. Ngày các bạn tốt nghiệp không phải là ngày hoàn tất việc học, mà là ngày bạn bắt đầu một hành trình học tập mới dài và quan trọng nhất của mình”, ông Norbert Ehrbar nói.