Thương con 10, thương mình cũng phải 5, 6

Người cao tuổi tại TP.HCM được chăm sóc tại tuyến y tế cơ sở nhằm ngăn chặn bệnh tật từ xa – Ảnh: T.HIẾN

Nhiều chuyên gia cảnh báo dân số Việt Nam hiện đang đối mặt với 3 thách thức lớn là mức sinh thấp, chênh lệch giới tính khi sinh và tốc độ già hóa tăng nhanh.

Việc giảm sinh và xu hướng chỉ sinh một con dẫn đến thực trạng: con một được bao bọc bởi cha mẹ và 4 người gồm ông bà nội, ngoại.

Và khi trưởng thành con một phải gánh vác, chăm sóc cùng lúc 6 người cao tuổi bởi không có anh chị em hỗ trợ.

Nhằm góp thêm góc nhìn xung quanh vấn đề này, sau đây là ý kiến của bạn đọc Đại Lâm gửi đến Tuổi Trẻ Online.

Thương con 10, thương mình cũng phải 5, 6? - Ảnh 2.

Tranh minh họa: Tư liệu TTO

Đủ thứ gánh nặng đè lên vai con một

Hãy đặt mình trong hoàn cảnh của một đứa trẻ con một và ai cũng có thể hình dung: gánh nặng trên vai thật đáng sợ.

Dù có yêu thương ông bà cha mẹ đến đâu thì việc cùng một lúc chăm sóc 6 người già vẫn là quá sức đối với một người trưởng thành. Bởi người này vẫn ở trong độ tuổi lao động, phải lo lắng cho bản thân và gia đình nhỏ của mình (nếu có).

Và liệu một lúc nào đó những đứa trẻ con một sẽ tự hỏi bản thân rằng “phải chăng cha mẹ sinh mình ra chỉ để chăm sóc cha mẹ lúc về già”?

Không có đứa trẻ nào đòi cha mẹ phải sinh mình ra. Chính cha mẹ chủ động sinh con ra rồi khoác lên vai đứa trẻ ấy trách nhiệm chăm sóc mình khi tuổi cao sức yếu, mắt mờ chân chậm.

Điều này có bất công với đứa trẻ không?

Nếu người con trưởng thành có điều kiện về sức khỏe, tài chính để chăm sóc cha mẹ thì không vấn đề gì. Nhưng trong trường hợp xấu nhất khi người con ở xa, kinh tế eo hẹp thì cha mẹ có muốn con chăm sóc mình cũng chẳng được.

Đâu ai dám khẳng định chắc chắn 100% sau này mình trưởng thành sẽ có đủ khả năng để chăm lo cho cha mẹ dù ai cũng muốn giàu có, thành công.

Toàn cầu hóa cũng giúp cho người trẻ có thể làm việc ở những quốc gia khác thay vì ở gần cha mẹ nên làm sao có thể vượt nửa vòng trái đất để về chăm sóc cha già mẹ yếu ngay lập tức?

Bởi vậy, phải chăng cha mẹ nên hạnh phúc khi con cái có thể sống tốt, không dựa dẫm vào con thay vì lúc nào cũng mong cầu con luôn bên mình khi về già?

Vì vậy, để đối mặt với hệ lụy của già hóa dân số, tránh tình trạng một người trẻ phải chăm sóc cùng lúc nhiều người cao tuổi thì mỗi người cha mẹ cần phải thay đổi cả trong tư duy lẫn hành động cụ thể.

Thương con cũng phải thương mình

Thay vì trông chờ con chăm sóc mình, xem con như bảo hiểm tuổi già của mình thì hãy nghĩ đến việc tiết kiệm tài chính cho bản thân, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đảm bảo cho cuộc sống của mình khi đã hết tuổi lao động.

Đầu tư cho con cái ăn học tử tế nhưng mỗi cha mẹ cũng phải biết liệu cơm gắp mắm, vừa lo cho con nhưng cũng phải tích lũy tiền dưỡng già cho bản thân.

Nếu có bao nhiêu dành hết cho con bấy nhiêu, thậm chí vay mượn cho con du học hay khởi nghiệp kinh doanh bằng toàn bộ tài sản tích cóp cả đời thì cũng phải sẵn sàng đối mặt với tình huống xấu nhất nếu chẳng may con thất bại.

Thương con 10 phần thì phải thương chính mình 5, 6 phần vì cha mẹ già không sống phụ thuộc vào con cũng là hạnh phúc của con.

Hiện nay tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao nhưng người cao tuổi lại mắc khoảng 3-6 bệnh nền, như rối loạn chuyển hóa, xương khớp, tim mạch, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Trung bình người cao tuổi có tới 14 năm sống trong bệnh tật nên chi phí chăm sóc sức khỏe cho tuổi già là không hề nhỏ.

Vì vậy cần ý thức tự chăm sóc sức khỏe bản thân ngay từ khi còn chưa già. Đừng quá trông đợi hy vọng ốm đau đã có con chăm sóc bởi con còn phải lo toan rất nhiều thứ.

Mọi đứa trẻ trên đời này nên được sinh ra và nuôi lớn bằng tình yêu thương của cha mẹ chứ không phải để sau này trở thành thẻ bảo hiểm của người đã sinh ra nó.

Hãy để con cái chăm sóc, phụng dưỡng ông bà cha mẹ tùy vào điều kiện, khả năng của con thay vì nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng của cha mẹ.

Mức sinh giảm, tốc độ già hóa dân số tăng là xu thế chung không quốc gia nào có thể cưỡng lại được nên tất yếu mọi người cũng phải tự chuẩn bị cho tuổi già của chính mình.

Là mẹ của 3 đứa trẻ, tôi cũng không mong đợi sau này về già mỗi khi đau ốm thì con cháu đầy nhà mà đang chuẩn bị cả về tư tưởng, sức khỏe lẫn tài chính cho tuổi già tự lo của chính mình.

* Bảo hiểm y tế và lương hưu chính là nguồn cứu cánh khi tuổi già kéo đến. Con cái có hiếu thì còn có thêm tấm thẻ bảo hiểm, còn không thì cũng phải tự thân lo.

Nên tự có một khoản để dành cho lúc về già, còn con cái nếu hỗ trợ thêm cha mẹ thì hỗ trợ, không phụ thuộc.

Bạn đọc tài khoản Trà Hoa

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *