Sắp có thêm khu nhà ở công nhân ở Bắc Giang, Hưng Yên

Tại hội thảo, nhiều đại biểu nêu ra vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống quấy rối tình dục hay ngăn ngừa tín dụng đen biến tướng qua đường link lạ, giả vờ chuyển nhầm tài khoản ngân hàng trong công nhân – Ảnh: HÀ QUÂN

Ngày 20-12, Viện Công nhân và Công đoàn tổ chức hội thảo khoa học “Một số vấn đề xã hội cấp thiết trong công nhân nước ta hiện nay – thực trạng và giải pháp”.

Bắc Giang, Hưng Yên sẽ có thêm khu nhà ở công nhân giá rẻ

Theo Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên Hoàng Xuân Hào, tỉnh có 8 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 70.000 lao động, trong đó khoảng 30% người ngoại tỉnh. 

Tuy vậy nguồn cung nhà ở, chất lượng nhà trọ còn hạn chế.

Xác định tầm quan trọng của nơi ở với người lao động, ông đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy nhanh tiến độ khởi công thiết chế công đoàn tại tỉnh cho công nhân, dự kiến đặt tại thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên). 

Tinh thần là “vướng mắc ở tổng liên đoàn thì tổng liên đoàn tháo gỡ, vướng mắc ở tỉnh thì báo cáo bí thư tỉnh ủy chỉ đạo”.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng – phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang – cho biết số lao động ngoại tỉnh trong các khu công nghiệp tại tỉnh chiếm khoảng 31%.

Tuy vậy, đa số họ ở trong hơn 5.000 nhà trọ, chủ yếu là do người dân xây lên. Việc này phần nào đáp ứng nhu cầu của khoảng 192.000 lao động trong các khu công nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu, Bắc Giang có 15 dự án với quy mô trên 28.000 căn hộ song đến nay mới có khoảng 3.800 căn hộ hoàn thành.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đề xuất Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy nhanh các bước để nhanh chóng xây dựng thiết chế nhà ở công nhân tại thị xã Việt Yên (Bắc Giang).

Về lâu dài, tổ chức công đoàn nghiên cứu xây dựng làng công nhân – ngôi làng có nhà ở, trung tâm văn hóa, sân chơi thể thao, trường học. “Thiết chế công đoàn có nhà ở, có nơi vui chơi giải trí sẽ giúp công nhân và công đoàn gần gũi hơn”, ông nói.

Sắp có khu nhà ở công nhân ở Bắc Giang, Hưng Yên - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang – Ảnh: HÀ QUÂN

Chuyên gia đi chợ là biết cuộc sống thực sự của công nhân

Theo ông Nguyễn Đình Thắng – chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp ở đây trả trung bình 7 triệu đồng/tháng song chi phí thuê nhà, mua thực phẩm chiếm rất nhiều, khó duy trì cuộc sống, chưa nói tới mua nhà.

Do vậy, ông cho rằng cần tăng lương tới mức lương đủ sống, bởi tăng lương tức là tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và giữ chân nhân sự giỏi.

“Chuyên gia chỉ cần đi chợ cùng công nhân là biết cuộc sống khó khăn của người lao động”, ông Thắng bày tỏ.

Ông đề xuất Chính phủ lưu ý phê duyệt các khu công nghiệp gắn với khu nhà ở, nhà văn hóa, trường học, khu vui chơi phục vụ công nhân. Chính phủ chỉ đạo có giải pháp kiềm chế lạm phát.

Sắp có khu nhà ở công nhân ở Bắc Giang, Hưng Yên - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đình Thắng – chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội – Ảnh: HÀ QUÂN

TS Vũ Thị Hà – khoa kinh tế và tài chính Học viện Phụ nữ Việt Nam – bày tỏ tiền lương chưa đủ sống, chưa theo kịp tốc độ tăng lạm phát khiến người lao động thêm khó khăn.

Nếu công nhân tăng ca để có thêm thu nhập thì không có thời gian tái tạo sức lao động, giữ gìn sức khỏe, dẫn tới chuyện khó đáp ứng yêu cầu công việc về lâu dài, thậm chí có nguy cơ bị chủ sử dụng sa thải.

Việc tính toán lại tiền lương đủ sống, theo vị này, rất cần thiết bên cạnh giải pháp công đoàn tham gia quá trình tính lương cho người lao động ở doanh nghiệp, nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, thời giờ làm việc.

Kết luận hội thảo, TS Nhạc Phan Linh – phó viện trưởng phụ trách Viện Công nhân và Công đoàn – ghi nhận các ý kiến, đóng góp và cho biết nghiên cứu, đề xuất Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham mưu cấp có thẩm quyền về chính sách tốt hơn cho người lao động, nhất là tiền lương, nhà ở, việc làm, sức khỏe…

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *