Sinh viên Đại học Duy Tân đứng nhất khối phần mềm mã nguồn mở

Đội DTU_DZ_1 giành giải nhất khối phần mềm mã nguồn mở tại Olympic Tin học sinh viên Việt Nam lần thứ 33 – Ảnh: ĐHDT

Cuộc thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam lần thứ 33 do Bộ Giáo dục & Đào tạo, Hội Tin học Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào học tập và bồi dưỡng các tài năng tin học trẻ. Có 159 đội tuyển đến từ 87 trường đại học, cao đẳng và các học viện trên cả nước về tham dự cuộc thi ở các phần thi và khối thi khác nhau.

Tại phần thi phần mềm mã nguồn mở, có 20 đội tuyển đến từ nhiều trường đại học trải dài từ Bắc vào Nam, trong đó có nhiều trường rất mạnh trong đào tạo công nghệ thông tin, luôn có thành tích cao ở những năm trước đó như: Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Mở Hà Nội, Trường đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM,…

Các đội thi được yêu cầu xây dựng một ứng dụng phục vụ cộng đồng trong các hoạt động ứng phó khẩn cấp, khắc phục hậu quả và hỗ trợ nhân đạo. Phần lớn các đội đều tập trung vào việc xây dựng bản đồ hiển thị các điểm nguy hiểm, điểm an toàn và lộ trình di chuyển của các đội cứu hộ.

Riêng đội DTU_DZ_1 gồm 3 thành viên: Lê Minh Tuấn, Trần Nguyễn Duy Khánh và Trịnh Minh Son của ĐH Duy Tân sau khi nhận ra sự trùng lặp và khả năng thành công không cao khi phải hoàn thiện nhiều tính năng trong thời gian ngắn, cả đội đã quyết định lựa chọn một hướng đi hoàn toàn khác biệt.

Đội DTU_DZ_1 đã thiết kế một ứng dụng mang tên Green Hope và đã gây ấn tượng mạnh bởi đây là đề tài duy nhất áp dụng cả công nghệ Blockchain và AI một cách đúng tiêu chuẩn, hoạt động hiệu quả và hơn hết là đặt vào đúng thời điểm, giải quyết đúng các vấn đề đang tồn tại hiện nay như: Khó khăn trong việc tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn (cụ thể là ở Làng Nủ), hay tình trạng gian dối số tiền quyên góp từ một số tổ chức trong thập kỷ vừa qua.

Sinh viên ĐH Duy Tân đứng Nhất khối Phần mềm Mã nguồn Mở  - Ảnh 2.

Trang chủ của ứng dụng Green Hope và link github mã nguồn của bài thi: https://github.com/olp-dtu-2024/DTU-GreenHope – Ảnh: ĐHDT

Với mục tiêu “Tìm kiếm nạn nhân kịp thời, thắp lên hy vọng xanh lá sau thiên tai”, Green Hope hướng tới 3 mục tiêu cốt lõi:

Cứu hộ Realtime: Sử dụng công nghệ phân tích video từ flycam, camera an ninh với mô hình YOLO và TensorFlow giúp phát hiện nạn nhân nhanh chóng, hỗ trợ kịp thời.

Minh bạch Từ thiện: Áp dụng Blockchain, biên dịch hợp đồng thông minh bằng Solidity đảm bảo mọi giao dịch quyên góp được lưu trữ minh bạch, chống gian lận. Service sử dụng NestJS cùng với sự phối hợp mạnh mẽ của hardhat – một công cụ biên dịch và triển khai hợp đồng solidity mạnh nhất hiện nay.

Kết nối Cộng đồng: Tạo nền tảng để đề xuất, phối hợp tái thiết sau thiên tai, hướng tới một xã hội bền vững hơn.

Green Hope không chỉ là giải pháp công nghệ mà còn là cầu nối của lòng nhân ái, mang hy vọng xanh đến những hoàn cảnh khó khăn. Ứng dụng được xây dựng một cách bài bản và rất hiệu quả. Hệ thống sẽ trở nên ưu việt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa nếu có thêm thời gian cũng như nguồn lực để phát triển.

Với điểm số 75, đội DTU_DZ_1 đã xuất sắc vượt qua các đối thủ và giành giải nhất khối thi phần mềm mã nguồn mở. Điểm số và sản phẩm của DTU_DZ_1 đều được ban giám khảo đánh giá cao vượt trội.

Ghi nhận những đóng góp cho phong trào Olympic Tin học, Hội Tin học Việt Nam đã trao tặng bằng khen cho các trưởng, phó đoàn cùng các huấn luyện viên. Trong đó, TS Huỳnh Bá Diệu – trưởng bộ môn hệ thống thông tin và mạng (CMU), khoa đào tạo quốc tế (IS) của Đại học Duy Tân đã được Hội Tin học Việt Nam trao tặng bằng khen vì đã có nhiều đóng góp xuất sắc trong công tác bồi dưỡng sinh viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam và Lập trình Sinh viên quốc tế ICPC.

Sinh viên Đại học Duy Tân đứng nhất khối phần mềm mã nguồn mở - Ảnh 3.

TS Huỳnh Bá Diệu – Đại học Duy Tân (đứng thứ 10 từ phải qua) – nhận bằng khen của Hội Tin học Việt Nam – Ảnh: ĐHDT

Đồng hành đưa sinh viên Đại học Duy Tân tham dự cuộc thi năm nay, ThS Nguyễn Quốc Long – giảng viên khoa công nghệ thông tin DTU – có những nhận định về cuộc thi: “Đề tài năm nay tập trung phát triển nền tảng Low-code (LCDP) thực hiện tích hợp các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu thời gian thực và bản đồ số để tối ưu hóa tìm kiếm, cứu trợ, đánh giá thiệt hại và quản lý tài nguyên.

Trong bối cảnh các đội thi từ các trường đều rất mạnh, sự đầu tư bài bản liên tục và không ngừng ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin, sinh viên Duy Tân luôn có nhiều cơ hội để học tập và tự tin chinh phục các cuộc thi lớn”.

Sinh viên Đại học Duy Tân đứng nhất khối phần mềm mã nguồn mở - Ảnh 4.

Dưới sự dẫn dắt của các giảng viên, 3 sinh viên của Đại học Duy Tân tham dự cuộc thi đã nỗ lực vượt bậc và xuất sắc giành giải thưởng cao nhất – Ảnh: ĐHDT

Là leader đội DTU_DZ_1, sinh viên Lê Minh Tuấn chia sẻ: “Chỉ có vỏn vẹn nửa tháng để xây dựng ứng dụng, chúng em phải nghiên cứu và làm chủ một xu hướng công nghệ hoàn toàn mới. Áp lực về thời gian, hiệu quả sản phẩm và ý nghĩa đóng góp cho cộng đồng là vô cùng lớn.

Chính điều đó đã thôi thúc chúng em phải nỗ lực không ngừng nghỉ, dồn hết tâm huyết để hoàn thành ứng dụng. Đoạt giải nhất tại cuộc thi không chỉ giúp chúng em khẳng định năng lực của bản thân mà còn mang đến niềm tin mạnh mẽ rằng: Nếu tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê và nỗ lực, chúng em có thể chinh phục những mục tiêu lớn lao và trở thành những con người xuất sắc hơn trên hành trình phía trước.

Chúng em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến ThS Nguyễn Quốc Long – người thầy hướng dẫn và đồng hành tận tâm cùng đội. Với chúng em, thầy là nguồn cảm hứng lớn trong cả chuyên môn, học tập lẫn cuộc sống. 

Thầy đã định hướng phát triển ứng dụng minh bạch hóa giao dịch bằng Blockchain và AI tìm kiếm cứu hộ, giúp đội tạo nên sự khác biệt. Chiến thắng này không chỉ là thành quả của đội mà còn là minh chứng cho sự tận tâm và trách nhiệm của thầy – người đã truyền cho chúng em ngọn lửa đam mê và cống hiến”.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *