Bạn đọc và chuyên gia cùng chia sẻ về cách ăn Tết gọn nhẹ, đong đầy niềm vui.
Mấy ngày Tết ưu tiên cho gia đình nhỏ
Anh Phan Văn Hải cùng vợ là công chức nhà nước ở Đà Nẵng. Thay vì ở thành phố hoặc về quê, năm nay cả gia đình anh lựa chọn cách đi du lịch Măng Đen (Kon Tum).
“Vợ chồng tôi và hai con đi cùng nhau, thích chỗ nào thì ghé, ưng ăn gì thì ăn. Nơi nào khó tìm quán ăn, chúng tôi luôn sẵn bánh chưng, thịt nguội trong xe. Quan trọng là vui, thoải mái cho quãng thời gian ngắn ngủi cả gia đình bên nhau”. anh Hải nói.
Để có thể chọn được cách đón Tết riêng cho gia đình nhỏ, anh Hải nói cũng phải thuyết phục cha mẹ, họ hàng ở quê nhiều lần. Ở quê nhà Tết thì con cháu, dâu rể dù ở xa mấy cũng cần tề tựu đông đủ.
“Trước Tết hai tuần cả nhà tôi đã về thăm ông bà, cha mẹ rồi quay lại Đà Nẵng. Về quê đón Tết vui và tình cảm đượm đà quê hương thật nhưng chuyện ăn uống, nhậu nhẹt khiến cả nhà mệt mỏi”, anh Hải nói.
Cùng chọn cách “né” Tết ở quê để dành thời gian cho gia đình mấy ngày Tết, chị Lê Thị Lâm, nhà ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), Tết này cũng dự tính sẽ cùng chồng con đi Đà Lạt. Xa quê hàng chục năm, nhưng mỗi dịp Tết về hầu như chị cũng chỉ lui cui trong bếp. Nào là dọn mâm cúng mỗi ngày 2 – 3 lần, rồi bày mâm đón khách, xong lại dọn rửa.
“Về Tết mà cực hơn cả ngày thường. Các mẹ, các chị ở quê vẫn bảo thích như vậy. Sự cam chịu, nhọc nhằn đã khiến những người phụ nữ ở nông thôn gần như không còn thấy mình thiệt thòi ngay cả trong ngày Tết. Họ coi việc phục vụ mọi người là niềm vui”, chị Lâm nói.
“Trước đây Tết nào chúng tôi cũng lo nấu bánh chưng, rồi đặt thịt heo, gà ở trên núi đưa về để sẵn trong tủ lạnh. Tầm ngày 23 tháng chạp, sau khi cúng ông Táo xong thì mở cỗ mời anh em bạn bè, hàng xóm.
Mình làm xong thì đến nhà khác trong xóm làm, cứ như thế triền miên từ 23 tháng chạp ra tới mùng 5 tháng giêng vẫn chưa đi hết tiệc các gia đình.
Năm nay, xóm tôi cũng ít những tiệc tất niên hơn. Nhiều người không coi chuyện mời mọc nhau ăn uống là chuyện nhất định phải có trong mấy ngày Tết.
Nhà tôi vẫn tổ chức mời mọi người tới nhà nhưng thực phẩm toàn là đồ chay, nông sản các vùng miền. Mình làm mỗi thứ một chút, khách tới họ cũng ăn uống chủ yếu thưởng thức thôi nên mọi việc gọn nhẹ hơn”, anh Dũng nói.
Không chỉ chọn cách sắm Tết nhẹ nhàng, tổ chức các tiệc tất niên, mời khách tới nhà bằng những món ăn đơn giản, nhẹ bụng mà giờ đây đa phần các tiệc dịp Tết ở Đà Nẵng người ta không còn thấy cảnh ép nhau lè nhè chuyện uống rượu, bia.
“Cả nể rồi dùng lon bia, ra về bị phạt, Tết lại trở thành nỗi buồn của nhau. Do đó giờ đây tiệc tùng ba ngày Tết cũng ít bia rượu hơn xưa”, anh Đình Lộc, quận Hải Châu (Đà Nẵng), nói.
Giảm bớt lễ tiết
Đây là câu hỏi và cũng là ước mong của nhiều anh chị trong nhóm bạn bè chúng tôi. Chị Hương (TP Hải Phòng) mở đầu: “Ở quê chồng mình thì vẫn còn nhiều hoạt động, cúng kính đầu năm khiến cả nhà mệt nhoài ngày Tết. Loay hoay lại lo nấu cúng, cúng xong chưa kịp ăn đã dọn rửa, nấu tiếp”.
Anh Thanh Phương (Hưng Yên) chia sẻ: “Việc Tết nhất nên giữ lại ở ý nghĩa hướng về tổ tiên, ông bà đã khuất và bố mẹ còn sống với lòng hiếu kính, tri ân, báo ân bằng những việc làm nhẹ nhàng. Những lễ tiết ngày Tết nên giảm bớt lại. Nhà tôi xưa cúng cơm ngày 3 bữa, nay tôi chỉ nấu cúng mỗi ngày một bữa, có ngày chỉ cúng bánh ngọt và dâng trà, đơn giản, nhẹ nhàng”.
“Được vậy thì quá tốt”, bà mẹ trẻ Thanh Thúy (TP Huế) bày tỏ. Chị Thúy cho biết quê chị ở Huế vẫn còn giữ nét truyền thống nhưng cũng đã có nhiều thay đổi. Việc lễ tiết ngày Tết đã giản lược hơn, từ việc cúng kính đến quan niệm chỉ phụ nữ lo bếp núc.
Với Ngô Trí Minh (Đồng Tháp): Tết là dịp về nhà, dành trọn vẹn cho gia đình, người thân, ba mẹ. Đây là khoảng thời gian chuyện trò, chăm sóc ba mẹ, kết nối anh chị em.
“Trang trí trong nhà cũng nhẹ nhàng, vài chậu hoa là đủ. Cúng kính không rườm rà vì tưởng nhớ tổ tiên chủ yếu là tấm lòng và việc mình sống tử tế hằng ngày. Dâng cúng ông bà tổ tiên không gì tốt hơn là sự bình an, hạnh phúc của mỗi thành viên”, Ngô Trí Minh nói.
Không sa vào các cuộc hẹn bạn bè liên miên, càng không để bia rượu lôi kéo làm mất vui trong ngày Tết. “Đó là chưa nói khi nhậu nhẹt nhiều trong ngày Tết sức khỏe bị ảnh hưởng, cả thể chất lẫn tinh thần đều rệu rã. Muốn có một năm an lành thì đầu năm phải giữ tâm thế bình an, nhẹ nhàng”, Minh tâm niệm.
Có nhiều người mệt mỏi với Tết không chỉ là chuyện tiếp khách bằng bia rượu mà cả lo quà Tết, lì xì. Thực ra giá trị của Tết và những phong tục ngày Tết không phải ở chỗ hình thức mà sâu xa hơn là tinh thần, là dịp để trở về tự thân, gia đình để làm mới, hồi phục, chữa lành những tổn thương (nếu có) và kết nối những sợi dây thân gần mà có lúc vì hoàn cảnh phải xa nhau…
Tết năm nào về quê, với tôi cũng là dịp chia sẻ trong khả năng, trước tiên với gia đình để có cái Tết ấm áp, bình yên, sau đó nếu có thể chia sẻ với những hoàn cảnh khó hơn mình ở quê. Sự quan tâm, thăm hỏi, chúc tụng người thân, xóm giềng dịp đầu năm cũng làm trong tâm thế nhẹ nhàng.
* TS NGUYỄN THANH PHONG (khoa văn hóa học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM):
Một tách trà nóng cũng làm nên mùa xuân
Rượu bia được xem là phần văn hóa không thể thiếu trong các buổi tiệc của người Việt. Đây là dịp để mỗi nhà thể hiện lòng mến khách, cũng như tăng thêm gắn kết tình cảm người thân, bạn bè.
Việc sử dụng bia rượu đôi khi có mang lại cảm giác thăng hoa về mặt tinh thần, nhưng nếu lạm dụng sẽ dễ dẫn đến mất kiểm soát, ảnh hưởng đến công việc và khả năng lái xe an toàn.
Rượu bia gây mệt mỏi, đặc biệt là đối với những người có vấn đề sức khỏe. Điều này làm cho không khí những ngày Tết vốn ấm cúng lại trở nên nặng nề.
Chút men rượu bia ngày xuân là một phần không thể nói bỏ là bỏ được nhưng mỗi người cần biết đặt giới hạn, làm chủ bản thân sao cho việc thưởng thức cùng gia đình bạn bè vẫn vui vẻ, nhẹ nhàng mà vẫn không ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe và không khí vui vẻ của ngày xuân.
Những buổi tiệc ấm cúng có thể là các món ăn tự tay chuẩn bị, con cháu quây quần cùng hương vị xuân, mời nhau chung trà, cùng nhau gói bánh tét bánh chưng hay cùng nhau du xuân.
Mâm cỗ ngày Tết cũng không cần phải quá cầu kỳ, bày biện quá nhiều món ăn cao sang mà chỉ cần phù hợp với truyền thống gia đình. Một tách trà nóng, vài miếng mứt dừa, hay chỉ đơn giản là những buổi trò chuyện rôm rả cũng làm nên một cái Tết trọn vẹn.
* TS.BS LÊ QUỐC TUẤN (giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM):
Đừng biến cuộc vui thành cuộc lo!
Tết là dịp để mọi người trở về quê, quây quần bên gia đình nên được mọi người bày biện nhiều thứ chào đón người thân trong ngày sum họp.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người lạm dụng ngày Tết thành những cuộc ăn nhậu thoải mái hơn so với thường ngày.
Thực tế, ý nghĩa ngày Tết là dịp để ôn lại truyền thống, từ chuyện chế biến món ăn truyền thống, giữ hương vị ngày Tết đến tận hưởng không khí gia đình bên ông bà, người thân…
Đây vừa là dịp giúp người trẻ nối tiếp truyền thống, vui cùng ông bà nhưng nhiều người lại biến ngày Tết thành cuộc chơi không có điểm dừng, mâm cao cỗ đầy, ăn nhậu, gây hệ lụy cho bản thân, gia đình.
Tôi quan niệm, vẫn vui Tết, ăn Tết nhưng trong chừng mực, nhất là trong sử dụng bia rượu. Ngoài yếu tố sức khỏe thì sự tỉnh táo khi tham gia giao thông cũng là vấn đề cần lưu tâm để tránh gây ra hậu quả nghiêm trọng.