Như đã thông tin, đằng sau khung cảnh nhộn nhịp chụp hình Tết trước chợ Bến Thành (TP.HCM) là đủ các loại rác như túi ni lông, chai nước, ly nhựa, hộp đựng cơm…
Xung quanh vấn đề này, bạn đọc Nhất Nguyên đã có bài viết gửi đến Tuổi Trẻ Online góp thêm ý kiến của mình.
Cuối tuần vừa rồi, tôi có hẹn với một số người bạn tại một quán cà phê có tầm nhìn khá đẹp ra phía hồ Con Rùa, quận 3, TP.HCM.
Thời tiết đẹp, trời se se lạnh và dập dìu các bạn trẻ trong tà áo dài thướt tha tạo dáng chụp ảnh phía bên hồ.
Các “nàng thơ”, “chàng thơ” phải nói tạo nên một bầu không khí Tết rất đẹp nơi trung tâm thành phố.
Quán cà phê chúng tôi hẹn gặp khá đông khách, phải đi loanh quanh một lúc mới tìm được chỗ ngồi.
Có lẽ do cuối tuần và cũng có lẽ do nhiều “nàng thơ” cùng ê kip của mình đã chiếm hơi nhiều ghế ngồi.
Thay vì mỗi khách một ghế, hoặc nhóm ba bốn khách quây nhau ngồi chung một bàn, có hai “nàng thơ” cùng thợ trang điểm của mình đã chiếm hẳn một cái bàn dài đủ chỗ cho hơn chục khách để bày hết quần áo, túi mỹ phẩm cùng bao nhiêu phụ kiện lên đó, rồi ngồi đó trang điểm…
Hay một nhóm ba “nàng thơ” khác chậm chân hơn, không chiếm được bàn dài nên đành kéo luôn ba cái bàn nhỏ khác nhập làm một rồi cũng bày đủ thứ lên.
Nhân viên quán ái ngại, nhắc khéo mấy lần mà các “nàng thơ” vẫn cứ bày biện đồ trang điểm ra đầy bàn.
Hay bữa trưa nọ, khi xe cộ đang di chuyển chỗ giao nhau giữa đường Võ Văn Kiệt và Tôn Đức Thắng, quận 1 thì người đi đường hú hồn vì bất thần có “nàng thơ” lao ra giữa đường tạo dáng, rồi lại lao vào xem ảnh vừa chụp. Chừng chưa ưng ý lại đi ra chụp tiếp.
Ảnh đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cho chính mình và liên lụy những người khác.
Chụp ảnh để làm kỷ niệm, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp là nhu cầu của nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Tuy nhiên những tấm ảnh sẽ đẹp hơn nếu việc chụp ảnh đảm bảo sự an toàn giao thông, địa điểm chụp ảnh không trở thành “bãi rác” sau khi tập trung đông người, các “nàng thơ”, “chàng thơ” không giẫm đạp lên bãi cỏ, công viên dù có bảng cấm…