Dạy trẻ giữa trùng khơi

Thầy Cao Văn Truyền hướng dẫn trẻ ở lớp mầm non tại đảo Trường Sa xếp hình trong giờ chơi – Ảnh: VĨNH HÀ

Huyện đảo Trường Sa hiện có bốn trường tiểu học tại các đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn và Đá Tây A. Mỗi trường chỉ có 1-2 giáo viên tình nguyện ra đảo dạy học nên các lớp học thường ghép nhiều trình độ.

Trường tiểu học tại đảo Trường Sa chỉ có chín học sinh, trong đó có năm trẻ mầm non. Người phụ trách lớp mầm non là thầy giáo Cao Văn Truyền. Trước khi ra đảo, thầy Truyền dạy tiểu học. Trường có một thầy giáo đảm nhiệm dạy tiểu học nên thầy Truyền “gánh” luôn lớp mầm non.

Thầy giáo dạy múa cho trò

Nhận lớp học đặc biệt với ba trẻ 5 tuổi và hai trẻ 3-4 tuổi, thầy Truyền phải học cách múa, hát, tổ chức các hoạt động phù hợp với trẻ mầm non.

Thầy kể trước khi ra đảo thầy cũng dạy học ở vùng núi khó khăn, có khi còn thiếu thốn hơn ở ngoài đảo nhưng có mạng Internet, điều kiện kết nối, chia sẻ, học hỏi ở đồng nghiệp thuận tiện hơn. Còn ở đảo, nhiều tình huống phải tự mình khắc phục, xử lý.

Ngoài việc phải thực hiện đúng chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, vui chơi có thể giúp trẻ cởi mở, thích đến lớp và hòa đồng với tập thể hơn.

“Có gọi cho đồng nghiệp ở đất liền thì cũng nghe tả lại, cố hình dung rồi dạy trẻ. Tôi luôn phải hỏi bọn trẻ có múa được thế này, hay nhảy được thế kia hay không. Nếu không được, tôi lại chỉnh cho bớt khó. Khi ngồi dưới xem bọn trẻ biểu diễn tiết mục mà thầy trò đã mất công tập mãi, tôi cũng thấy vui”, thầy Truyền nói.

Việc nắm bắt tâm lý và hướng dẫn trẻ những kỹ năng cần thiết cũng là một khó khăn khác. Thầy Truyền cho biết đôi khi phải nhờ chính phụ huynh hướng dẫn, chỉ bảo để biết cách chăm sóc, vừa dạy vừa dỗ trẻ.

“Trước kia tôi được phân công chuyên trách dạy học sinh lớp 4, 5 nên không có nhiều kinh nghiệm quản lý, dạy trẻ lớp 1. Ở đảo, trẻ còn nhỏ hơn. Khi mới đến lớp các em sợ sệt. Nhiều em khóc không dỗ được.

Chưa kể còn rất nhiều tình huống phát sinh do trẻ chưa tự lập trong việc vệ sinh cá nhân. Rồi có lúc trẻ bị té ngã, đau bụng hay nôn ói…. Tôi vừa dạy nhưng cũng vừa phải học cách để chăm sóc, để chơi với trẻ” – thầy Truyền chia sẻ.

Khi được hỏi về một tình huống khó mà thầy phải vượt qua, thầy Truyền nhớ lại: “Khi mới ra nhận lớp tôi quen với việc dạy học sinh lớn nên đã nhận xét một học sinh viết chữ còn xấu. Cháu bé sau đó đã về nói với bố mẹ không muốn đi học. Ở lớp cháu không vui vẻ, hòa đồng. Phải mất cả tháng tôi mới hiểu thay vì chê trẻ, tôi cần thường xuyên khen, nhất là khi trẻ có một chút tiến bộ”.

Ở đảo Đá Tây A cũng có một thầy giáo dạy mầm non. Đó là thầy Ưng Văn Tuấn, đảm nhiệm dạy tám trẻ mầm non và lớp 1; còn một thầy giáo khác dạy 10 trẻ từ lớp 2 đến lớp 5.

Thầy Tuấn thú nhận thời gian đầu cũng không dễ dàng khi vừa dạy trẻ mầm non vừa dạy trẻ lớp 1. Cả hai đối tượng học sinh đều cần kèm cặp với những hoạt động học tập khác hẳn nhau.

Lớp học của thầy Tuấn được ngăn làm hai chỗ. Một chỗ kê bàn ghế cho trẻ lớp 1 và một khu riêng để trẻ mầm non chơi, tập vẽ, tập tô chữ… Trong giờ học thầy phải xoay vòng, vừa dạy lớp 1 vừa tổ chức hoạt động cho trẻ mầm non. Đôi khi đang dạy bên này lại phải chạy sang bên kia dỗ trẻ.

Muốn đặt chân đến Trường Sa

“Tôi vẫn từng mơ ước đặt chân đến Trường Sa. Nên khi có thông báo đăng ký dạy học ở đảo, tôi nhận luôn. So với ở đất liền, có nhiều thứ không bằng nhưng tôi lại có những trải nghiệm đặc biệt ở nơi này”, thầy Truyền chia sẻ về lý do ra đảo dạy học.

Thầy Lê Xuân Hạnh, giáo viên đảm nhiệm lớp tiểu học ở đảo Trường Sa, kể: “Tôi không còn trẻ nữa, đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe cũng yếu đi rồi. Nhưng tôi vẫn muốn một lần ra đảo. Khi được thông báo đi khám sức khỏe, tôi đã cứ lo không đủ điều kiện về sức khỏe nhưng may là vẫn đạt”.

Lớp tiểu học của thầy Hạnh chỉ có bốn học sinh nhưng có tới ba trình độ: lớp 1, lớp 3, lớp 4. Ít học sinh nên thầy cũng thân với trẻ như người trong nhà. Giờ rảnh, thầy đến thăm bọn trẻ ở nhà hoặc bọn trẻ đến trường chơi với thầy.

Khi nói chuyện với Tuổi Trẻ, thầy Hạnh mang cả quyển thơ ra khoe. Thơ thầy viết trong lúc buồn, nhớ gia đình và cả cảm xúc khi chứng kiến sự hy sinh, vất vả của người lính trên đảo hay tình cảm với lũ học trò.

Thầy kể nhiều về cô bé Triệu Vy – một học sinh của mình. Cô bé học khá, tình cảm. Nhiều bài thơ của thầy, Triệu Vy đọc trong các chương trình giao lưu văn nghệ. Còn hơn một năm nữa cô bé mới vào đất liền để học lớp 6 sau khi học hết tiểu học ở đảo nhưng đã viết lưu bút cho thầy. Với người thầy, đó là một niềm hạnh phúc.

Những đứa trẻ ấm áp

Đảo Đá Tây A có 16 hộ dân sinh sống với 21 đứa trẻ, trong đó 18 bé ở độ tuổi mầm non, tiểu học. Khi thấy có khách đến đảo, những đứa trẻ rủ nhau mang quà tặng cho khách, bất kể là người chưa từng trò chuyện với chúng mà chỉ thoáng đi qua ngõ.

Cậu bé Nguyễn Đăng Hồng Vũ sốt sắng mang tặng khách những món quà lưu niệm làm từ đá san hô và vỏ ốc. Mẹ Vũ – chị Đặng Thị Báu – kể lúc rảnh rỗi chị cùng con đi nhặt ốc và hướng dẫn con cách thiết kế, gắn keo đá và ốc.

Vũ làm rất nhiều những món quà lưu niệm này và chỉ mong khi có khách ghé qua thì tặng. Một nhóm trẻ khác thì làm hoa từ đất nặn cũng để tặng cho khách. Bọn trẻ quý người vì không mấy khi có khách ghé qua đảo.

Dạy trẻ giữa trùng khơi - Ảnh 2.Tri ân thầy cô ở Trường Sa

Huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) vừa tổ chức gặp mặt các thầy cô giáo đang công tác tại huyện đảo, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11).

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *