Đạo luật này phản ánh rõ những khó khăn các nhà làm luật phải đối mặt để đảm bảo AI phục vụ nhân loại.
Đạo luật AI có hiệu lực từ tháng 8-2024, với tham vọng đưa EU trở thành “trung tâm toàn cầu cho AI đáng tin cậy”. Tuy nhiên, phần lớn quy định trong đạo luật chưa được áp dụng ngay mà sẽ có hiệu lực dần đến tháng 8-2026, tạo thời gian điều chỉnh cho các doanh nghiệp.
Nỗ lực thắt chặt của EU
Từ ngày 2-2, một số nội dung đầu tiên chính thức có hiệu lực, chủ yếu tập trung vào việc cấm sử dụng AI trong các trường hợp mang lại “rủi ro không thể chấp nhận” như hệ thống chấm điểm công dân tự động dựa trên thông tin nhạy cảm (màu da, quê quán, xu hướng tính dục…), dự đoán khả năng phạm tội bằng AI, hay sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt trong thời gian thực (trừ một số ngoại lệ). Các hành vi thao túng, lừa đảo hoặc sử dụng AI để phân tích cảm xúc cũng bị cấm hoàn toàn.
Quy định này nhằm ngăn chặn phân biệt đối xử và bảo vệ quyền riêng tư. Doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt đến 7% doanh thu toàn cầu hoặc tối thiểu 35 triệu euro (36,3 triệu USD).
Văn bản hướng dẫn ban hành ngày 4-2 nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ nội hàm của những điều luật này.
Tuy nhiên, văn bản nhanh chóng vấp phải chỉ trích. Một số chuyên gia và nhà vận động cho rằng hướng dẫn này chứa “lỗ hổng nghiêm trọng”, cho phép cơ quan an ninh và quản lý xuất nhập cảnh “lách luật”.
Bà Caterina Rodelli, chuyên gia chính sách EU tại tổ chức vận động quyền kỹ thuật số Access Now, chỉ ra rằng: “Lỗ hổng lớn nhất là quy định cấm không áp dụng với cơ quan thực thi pháp luật hoặc xuất nhập cảnh”.
Ngược lại, nhiều quan chức và doanh nghiệp hoan nghênh quyết tâm của EU. Ông Diyan Bogdanov, giám đốc mảng kỹ thuật trí tuệ và tăng trưởng tại công ty tài chính công nghệ Payhawk, nhận định: “Trong khi Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh xây dựng mô hình AI mạnh nhất, châu Âu đang dẫn đầu trong việc xây dựng những mô hình đáng tin nhất”.
Chặng đường gian nan
Dù kỳ vọng cao, ngay cả những người tham gia xây dựng Đạo luật AI cũng thừa nhận sự không hoàn thiện của văn bản này. Ông Kai Zenner, cố vấn lập pháp từng tham gia soạn thảo, thừa nhận: “Áp lực thời gian đã khiến đạo luật bỏ ngỏ nhiều vấn đề. Các cơ quan quản lý không thống nhất và cách dễ nhất là thỏa hiệp. Đạo luật giống như bắn súng trong đêm tối”.
Một trong những điểm gây tranh cãi là chưa xác định rõ tính hợp pháp của việc dùng nội dung có bản quyền để huấn luyện AI, dù đây là một trong những vấn đề nóng nhất liên quan đến công nghệ này.
Một số chuyên gia lo ngại đạo luật sẽ kìm hãm tốc độ phát triển AI. Hoàng tử Hà Lan Constantijn cảnh báo: “Tham vọng của chúng ta chỉ dừng ở làm nhà quản lý tốt. Việc có biện pháp đề phòng là cần thiết, nhưng rất khó thực hiện trong một lĩnh vực phát triển nhanh như AI”.
Nhận định trên phản ánh khó khăn lớn nhất của việc xây dựng hành lang pháp lý cho AI: công nghệ này phát triển quá nhanh và khó đoán. EU đã bắt đầu xây dựng luật AI từ nhiều năm trước, nhưng sự xuất hiện bất ngờ của ChatGPT cuối năm 2022 buộc họ phải sửa đổi toàn bộ dự luật trong một thời gian rút ngắn đáng kể.
Các nỗ lực của EU càng bị thử thách trước sự bùng nổ AI từ Mỹ và Trung Quốc. Các công ty công nghệ Mỹ liên tục đạt đột phá, trong khi AI DeepSeek từ Trung Quốc cũng đang tạo sức ép cạnh tranh.
Cả hai nước đều duy trì hành lang pháp lý lỏng hơn EU. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay khi trở lại Nhà Trắng, đã tuyên bố loại bỏ một số biện pháp kiểm soát AI được người tiền nhiệm Joe Biden đưa ra.
Dù còn nhiều tranh cãi, giới chuyên gia cho rằng có một bộ quy tắc như Đạo luật AI vẫn là điều “rất cần thiết”. Ông Tasos Stampelos, lãnh đạo bộ phận chính sách công EU và quan hệ chính phủ của Mozilla, nhận định: “Việc xem Đạo luật AI là một đạo luật về an toàn sản phẩm rất quan trọng. Khi luật có hiệu lực, công việc thực sự chỉ mới bắt đầu”.
Lời đe dọa từ ông Trump
Câu chuyện quản lý AI càng nóng lên sau khi ông Trump đe dọa sẽ trả đũa EU nếu khối này phạt các công ty công nghệ Mỹ về AI. Nội bộ EU cũng đang tranh luận về việc nên thực thi các quy định kỹ thuật số quyết liệt đến đâu.
Ông Patrick Van Eecke, đồng chủ tịch công ty luật an ninh mạng toàn cầu Cooley, nhận định: “Brussels chắc chắn đang lo lắng rằng tổng thống Mỹ sẽ tăng cường sức ép lên EU để đảm bảo các công ty Mỹ không phải đối mặt với các quy định hoặc hình phạt từ Đạo luật AI”.