Bản thân em ở vùng nông thôn nên không có điều kiện lên thành phố vào lò luyện. Và em chia sẻ một điều đáng suy nghĩ “Học trên lớp không đủ, có nhiều phần kiến thức em không hiểu. Nếu không có chỗ học thêm, sợ không thể đỗ tốt nghiệp THPT”.
Câu chuyện của em học sinh khiến ta phải giật mình vì phải chăng chất lượng một nền giáo dục sẽ “xộc xệch” nếu thiếu dạy thêm?
Câu trả lời là sẽ không “xộc xệch” nếu quản lý chuyên môn trong các nhà trường được làm tốt, người thầy hiểu rõ trách nhiệm của mình với học sinh.
Nhưng biết có bao nhiêu nhà trường hiểu một cách đầy đủ về nhiệm vụ trong việc dạy đúng, dạy đủ chương trình đảm bảo để học sinh đạt yêu cầu.
Không biết có bao nhiêu nhà trường hiểu việc tổ chức, hướng dẫn học sinh cuối cấp ôn tập là nhiệm vụ bắt buộc chứ không phải “có thu tiền phụ huynh mới làm”?
Hệ lụy của việc lỏng lẻo trong quản lý dạy thêm đã khiến trách nhiệm của người thầy trong nhà trường chưa được làm đúng, làm đủ.
Một bộ phận giáo viên không dành hết tâm sức cho trách nhiệm của mình trong nhà trường khiến tình trạng “dạy thêm là chính, dạy chính là phụ” cứ tồn tại. Nó khiến học sinh và phụ huynh hình thành một nếp nghĩ “muốn tốt thì phải học thêm, phải tốn tiền”.
Nên trước khi bàn về câu chuyện dạy thêm, cần quay về giá trị gốc là trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm tuân thủ pháp luật.
Có một điều thật lạ là khá nhiều giáo viên chỉ nghe phong thanh “bị cấm dạy thêm rồi” mà không hề một lần tiếp cận thông tư mới của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm để “đọc cho thủng, nghe cho thông”.
Rồi chính họ lại xuất hiện ở nhiều nhóm trên mạng xã hội và thu nạp “quá trời” thông tin ngược xuôi. Trong khi đó ngành giáo dục, các trường thiếu những kịch bản truyền thông, hướng dẫn cần thiết nên giáo viên hoang mang, kéo theo là phụ huynh, học sinh cũng rối bời.
Và thay vì hiểu quy định mới, tìm cách gỡ rối, thực hiện thì phản ứng của nhiều người là kêu than, kiến nghị được quay về cách làm như cũ, từng gây nên những tiêu cực được xem như vấn nạn nhức nhối trong ngành giáo dục. Và sự bất lực của cơ quan quản lý từng khiến việc dạy thêm chính đáng và dạy thêm tiêu cực bị bỏ chung một giỏ, vàng thau lẫn lộn.
Thực chất quy định mới về dạy thêm, học thêm không cấm giáo viên được dạy thêm mà chỉ đưa hoạt động này vào nề nếp, đúng pháp luật và yêu cầu những người liên quan thực hiện đúng trách nhiệm.
Trong rất nhiều ý kiến ngược xuôi có một số người cho rằng “cứ thực hiện nghiêm túc quy định đi đã, mọi việc dần sẽ ổn”. Có lẽ trước sự hỗn mang hiện nay xung quanh câu chuyện dạy thêm, học thêm, lời nhắn nhủ trên là xác đáng nhất.
Vì mỗi người trong chúng ta đều cần hình thành một thói quen tuân thủ quy định pháp luật trước. Cách tiếp cận này giúp chúng ta tích cực hơn khi suy nghĩ về cách làm, về cách tháo gỡ khó khăn, thay vì chỉ kêu than, bàn lùi.
Trong quá trình thực hiện, có thể sẽ bộc lộ những bất cập. Điều này là tất yếu vì không thể có một văn bản pháp lý nào bao phủ được hết tình huống thực tiễn. Khi đó hãy kiến nghị điều chỉnh dựa trên thực tế triển khai.
Cá nhân các thầy cô giáo có lẽ cũng cần ý thức hơn về trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm với học sinh, trách nhiệm tuân thủ quy định trong việc dạy thêm, trong đó có nghĩa vụ đóng thuế khi tham gia một dịch vụ chịu sự điều chỉnh bởi luật.
Với những điều này, nhà giáo hoàn toàn có thể đàng hoàng làm nghề và có thu nhập thêm từ nghề thay vì bị “bỏ chung một giỏ” với những hành vi đáng lên án trong dạy thêm như trước đây.
Học cách tuân thủ pháp luật là lựa chọn của chúng ta trong xã hội văn minh nhưng sẽ khó khăn với những ai ngại thay đổi, ngại từ bỏ thói quen, cách làm từng mang lại quyền lợi một cách dễ dàng.