Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắn sượt qua tai khi đang vận động tranh cử ở bang Pennsylvania ngày 13-7 (giờ Mỹ). Sự việc đang được điều tra theo hướng vụ ám sát.
Nghi phạm được xác định là thanh niên 20 tuổi có tên Thomas Crooks (đã bị bắn hạ). Các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ vẫn chưa xác định được động cơ của nghi phạm.
“Chúng tôi (Nga) không tin rằng nỗ lực loại bỏ và ám sát ông Trump là do chính quyền hiện tại (của Mỹ) tạo ra. Nhưng bầu không khí xung quanh ứng viên Trump đã kích động những gì mà nước Mỹ phải đối mặt ngày hôm nay”, Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14-7.
Ông Peskov cũng cho biết Nga lên án bất kỳ hành vi bạo lực nào trong quá trình đấu tranh chính trị.
“Sau nhiều nỗ lực loại bỏ ứng cử viên Trump khỏi chính trường, đầu tiên là sử dụng các công cụ pháp lý, tòa án, công tố viên, cố gắng làm mất uy tín và tổn hại về mặt chính trị của ông Trump, tất cả các nhà quan sát bên ngoài đều thấy rõ rằng tính mạng của ông ấy đang gặp nguy hiểm”, ông nhấn mạnh.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin không có kế hoạch gọi điện cho ông Trump sau vụ việc.
Khi được hỏi liệu cuộc tấn công ông Trump có thể ảnh hưởng đến tính hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới hay không, ông Peskov nói: “Chúng tôi không có quyền phán xét. Chúng tôi không có chút mong muốn can thiệp nào. Đây là vấn đề của nước Mỹ”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã mượn vụ nổ súng để thúc giục Washington ngừng viện trợ cho quân đội Ukraine. Nga cho rằng Mỹ nên tập trung vào việc cải thiện việc thực thi pháp luật trong nước.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án vụ tấn công, nói rằng ở Mỹ không có chỗ cho loại bạo lực như vậy.
Các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng nhanh chóng lên án và cho biết họ bị sốc trước vụ tấn công, tố cáo bạo lực chính trị và chúc ông Trump nhanh chóng bình phục.