Tại công viên làng hoa Gò Vấp (quận Gò Vấp), Thành Đoàn TP.HCM đã tổ chức các hoạt động cấp thành, tương tác cùng đông đảo bạn trẻ, người dân hướng đến xây dựng văn hóa giao thông, tinh thần thượng tôn pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông.
Chị TRẦN THU HÀ (phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM)
Tăng sử dụng phương tiện công cộng
Phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM Trần Thu Hà cho biết thời gian tới, các cấp bộ Đoàn phát động phong trào thi đua “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn, vì sự phát triển bền vững của TP.HCM giai đoạn 2024 – 2030”. Các địa phương, đơn vị sẽ triển khai các nội dung, hình thức cụ thể, hiệu quả, phù hợp đặc thù và điều kiện đơn vị, sao cho thu hút đông đảo người trẻ, thiếu nhi và người dân cùng tham gia.
Trong đó, đầu tư tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trọng tâm là học sinh, sinh viên. Chú ý tuyên truyền, phổ biến các ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Các nội dung đã thực hiện sẽ được duy trì như: cổng trường an toàn, phối hợp với công an thực hiện bến đò ngang an toàn, điểm giao cắt đường bộ – đường sắt an toàn, bến xe khách an toàn…
Chị Thu Hà kêu gọi các bạn trẻ có thể phối hợp cùng lực lượng chức năng hỗ trợ điều tiết giao thông, cũng có thể tham gia nghiên cứu các đề tài, ý tưởng sáng kiến phát triển giao thông TP. Đặc biệt, quan tâm đến các giải pháp phát triển giao thông xanh và giao thông thông minh xứng tầm đô thị hiện đại.
Tại ngày hội, một số gia đình khó khăn vì có người thân bị tai nạn giao thông đã được tặng quà. Một đội hình tham gia hỗ trợ trật tự an toàn giao thông đã ra mắt và diễu hành tuyên truyền về văn hóa giao thông ngay sau lễ khai mạc. Cùng với đó, các gian hàng trò chơi tìm hiểu kiến thức an toàn giao thông cũng thu hút khá đông bạn trẻ tham gia, trải nghiệm.
Công nghệ, năng lượng sạch và chính sách ưu tiên
Tại tọa đàm “Sinh viên với việc tham gia giao thông công cộng và xây dựng văn hóa giao thông”, sinh viên rất quan tâm việc ứng dụng công nghệ vào quản lý và vận hành hệ thống giao thông công cộng ở TP.HCM. Ông Hà Hoàng Tý (Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM) khẳng định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng mà các đơn vị liên quan đã và đang từng bước thực hiện, theo đuổi.
Theo đó, chuyển đổi số được ứng dụng trong quản lý điều hành hệ thống xe buýt. Cụ thể là phát huy hiệu quả trung tâm điều hành trực tuyến, thí điểm ứng dụng lệnh vận chuyển điện tử, đưa vào hoạt động ứng dụng Go!bus cung cấp thông tin vận tải hành khách công cộng trên thiết bị di động, thanh toán tự động…
Bạn Lê Minh Thư (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) nói vào giờ cao điểm, nhiều tuyến xe buýt bị chậm giờ, một số xe chạy sát nhau và hỏi liệu có cần đầu tư tuyến đường riêng cho xe buýt? Chia sẻ, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM Phạm Vương Bảo cho rằng giao thông công cộng của TP thời gian qua đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo nhiều dấu ấn.
Có thể kể đến như nâng cao chất lượng phục vụ, nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, bến bãi phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng. Nhưng khối lượng vận chuyển của hệ thống xe buýt tại TP.HCM vài năm gần đây chững lại, có dấu hiệu giảm dần. Trong đó, việc không đảm bảo giờ giấc, tốc độ chậm và thời gian di chuyển dài là các lý do khiến nhiều người chưa ưu tiên sử dụng xe buýt.
“Nên việc bố trí đường dành riêng cho xe buýt ở những tuyến đường có mật độ giao thông cao, thường xuyên ùn tắc là cần thiết. Điều này giúp người dân thấy ngay được hiệu quả trong việc tăng tốc độ di chuyển của xe buýt, thúc đẩy họ sử dụng xe buýt nhiều hơn” – ông Bảo lý giải.
Sinh viên Đoàn Thị Thúy Uyên cùng nhiều bạn khác quan tâm những chính sách ưu đãi nào được TP khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng. Đáp lời, ông Phạm Vương Bảo cho rằng từ việc cải thiện chất lượng dịch vụ, xây dựng hệ thống metro, triển khai vé điện tử với chính sách trợ giá đến cải thiện cơ sở hạ tầng không ngoài mục tiêu khuyến khích và nâng tỉ lệ người sử dụng phương tiện giao thông công cộng của TP. Đồng thời mong các bạn trẻ tích cực ủng hộ, chia sẻ để nhiều người cùng tham gia phương tiện giao thông công cộng.
Xe buýt dùng nhiên liệu – năng lượng xanh, sạch
Sinh viên Nguyễn Hồ Trung Kiên (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) cho rằng việc sử dụng năng lượng sạch nhằm giảm phát thải CO2 là xu hướng tất yếu. “Kế hoạch sắp tới của giao thông công cộng TP.HCM để theo đuổi xu hướng này thế nào? Chẳng hạn có tính thay thế xe buýt truyền thống bằng xe buýt điện?” – Kiên đặt câu hỏi.
Trả lời, ông Phạm Vương Bảo thông tin hiện TP.HCM có 1.754 xe buýt hoạt động trên 90 tuyến có trợ giá, trong đó 509 xe sử dụng CNG (xe buýt dùng khí thiên nhiên nén) và 13 xe buýt điện. Phương tiện có thời gian sử dụng từ 10 năm trở lại chiếm 91%, trong số này 22,5% đưa vào sử dụng dưới 5 năm, số phương tiện dùng nhiên liệu – năng lượng xanh, sạch chiếm gần 30%.
“TP đã đặt ra mốc từ năm 2025 sẽ thay thế, đầu tư 100% xe buýt mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Trong đó, tỉ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50% từ năm 2030 và đến năm 2050 con số này sẽ là 100%” – ông Bảo cho biết.
Miễn vé xe buýt cho trẻ em được không?
Thạc sĩ Lê Văn Cường (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) nói việc hình thành thói quen sử dụng giao thông công cộng trong sinh viên là cần thiết. Việc này cần tính toán, bắt đầu từ lứa tuổi trẻ em, học sinh với các chính sách giảm, thậm chí miễn phí vé xe buýt cho trẻ đến học sinh lớp 9.
“Từ lớp 10 – 12 có thể chỉ bán giá vé tượng trưng 1.000 đồng/lượt, sinh viên vẫn là 3.000 đồng/lượt, hay cũng có thể áp dụng học sinh dưới 1,3m được miễn vé chẳng hạn” – ông Cường đề xuất.