Tại buổi thảo luận tổ trong khuôn khổ kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa X chiều 15-7, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên đã nêu tâm tư về việc khó triển khai các dự án trên địa bàn dù đã kêu gọi đầu tư thành công.
Theo ông Khuyên, tháng 9-2020 huyện đã triển khai mời gọi được 23 dự án đầu tư trên địa bàn với hơn 23.000ha đất, có khoảng 26 doanh nghiệp đăng ký quan tâm. Sau đó tháng 4-2022 tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn, có hơn 32 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký.
Thời điểm đó, đã có 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 369,104 triệu USD và 39 biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư với tổng vốn khoảng 17 tỉ USD được ký kết đầu tư vào hai huyện. Tuy nhiên đến nay “không có chuyển động gì”.
“Các dự án này chỉ có thể thành hình nếu quy hoạch được điều chỉnh đúng chức năng. Có thể thấy rõ cơ hội phát triển kinh tế xã hội nếu các dự án được đầu tư, nhưng chúng ta đã mất 3 – 4 năm vì quy hoạch. Vì vậy, nếu các dự án được tháo gỡ để đầu tư thì giá trị kinh tế xã hội TP sẽ tăng lên rất lớn”, ông Khuyên nói.
Liên quan đến các dự án kéo dài 10 – 20 năm trên địa bàn huyện Hóc Môn, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt – phó trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM – yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin về dự án khu nhà ở Hoàng Hải. Dự án được triển khai 15 năm với nhiều vướng mắc pháp lý, việc cấp sổ đỏ, gây ảnh hưởng đời sống, kinh tế cho hơn 600 hộ dân.
Với dự án này, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết tháng 5-2024 UBND TP đã thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý riêng dự án. Tổ công tác do lãnh đạo các sở ngành trực tiếp xử lý các nội dung còn tồn tại vướng mắc, kéo dài.
Mức độ “đáng sống” của TP.HCM đang giảm dần
Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt cho rằng dù có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng còn nhiều vấn đề mà TP cần quan tâm. Trong đó, qua các số liệu, có thể thấy rõ mức độ đáng sống của TP.HCM tương đối giảm so với các địa phương khác thông qua một số thông số.
Cụ thể về mức độ gia tăng dân số, TP.HCM là nơi có tốc độ tăng dân số cao nhất cả nước nhưng con số này đang có hướng chững lại, như giai đoạn 2020 – 2023 tốc độ tăng dân số của TP chỉ 1,14%, tức mỗi năm tăng khoảng 105.000 người. Trong khi giai đoạn 2000 – 2010 tốc độ tăng dân số lên đến 3,45%, hơn 300.000 người/năm.
Lực lượng lao động tăng hơn so với dân số, tuy nhiên GRDP của TP giảm tương đối chỉ còn 16% theo thống kê vào cuối năm 2023. Trong khi 20 năm trước TP đạt gần 20%, như vậy tỉ lệ GRDP của TP đang giảm dần.
Không chỉ vậy, chỉ số GRDP/người năm 2023 TP đạt 171 triệu đồng, gấp 1,68 lần bình quân cả nước. Nhưng so sánh với năm 2000 con số này gấp 2,79 lần bình quân cả nước.
Hay trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất khu vực Đông Nam Á vừa được công bố vào năm 2024 vừa qua, Việt Nam có khoảng 70 doanh nghiệp thì 30 doanh nghiệp ở Hà Nội, TP.HCM chỉ có 25 doanh nghiệp.
“Có thể thấy bức tranh TP.HCM đang bị chững lại, tôi mong muốn TP cần có những giải pháp giúp hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững, có những chiến lược giúp TP trở thành địa phương đáng sống giống như thời gian đầu”, ông Nhựt phân tích.