Sau nghị quyết 98, TP.HCM muốn đề xuất thể chế quản lý đô thị phù hợp hơn nữa

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin tại kỳ họp – Ảnh: HỮU HẠNH

Chiều 16-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thông tin đến đại biểu HĐND TP và cử tri các kết quả thực hiện chủ đề năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công và giải pháp tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024.

Thông tin về kết quả sau một năm triển khai nghị quyết 98, ông Mãi cho biết vừa qua nhiều câu hỏi đặt ra về việc một năm qua TP.HCM đã làm được gì, và cũng có ý kiến cho rằng TP.HCM chưa làm gì. 

Trước các ý kiến này, ông Mãi cho hay, khối lượng, chất lượng công việc một năm TP.HCM thực hiện nghị quyết 98 hơn cả một thời kỳ thực hiện nghị quyết 54.

Một số kết quả đạt như TP.HCM đã bố trí vốn đầu tư công cho công tác giảm nghèo, cho cao tốc TP.HCM – Mộc Bài và chương trình kích cầu đầu tư. TP cũng đã ban hành danh mục dự án BOT, dự án đầu tư theo hình PPP lĩnh vực văn hóa, thể thao… Hoàn thiện đề án điện mặt trời áp mái tại một số cơ sở công.

Ngoài ra, TP.HCM đã thực hiện chính sách thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với chính sách tiền lương mới sẽ tạo động lực, tăng năng suất lao động cho đội ngũ. TP.HCM cũng đã triển khai cơ chế tài chính cho các quận không tổ chức HĐND TP.HCM để chủ động đầu tư phát triển.

TP.HCM cũng triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng đề án thúc đẩy hình thành trung tâm nghiên cứu, thí điểm mô hình sanbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới) trong lĩnh vực khoa học công nghệ. 

Thời gian tới, TP.HCM cũng nghiên cứu cơ chế sandbox cho một số tổ chức mới như Trung tâm công nghệ 4.0, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Viện Khoa học công nghệ tiên tiến.

Về tổ chức bộ máy, TP.HCM cũng đã thành lập Sở An toàn thực phẩm; bố trí chức danh phó chủ tịch HĐND, UBND TP Thủ Đức và các phường đông dân số. Và mới đây, Chính phủ cũng đã ký nghị định về phân cấp quản lý nhà nước cho TP.HCM ở một số lĩnh vực.

Trong thời gian tới, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ hoàn thiện chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, triển khai thực hiện tín chỉ carbon, đề án TOD, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đề án đường sắt đô thị….

Trong quý 3, 4, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các dự án theo cơ chế của nghị quyết 98 trong các lĩnh vực thể thao, y tế, văn hóa, giao thông….

Sau đó, TP.HCM sẽ tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết 98, nghị quyết 131 để đề xuất thể chế quản lý đô thị phù hợp hơn cho một đô thị lớn như TP.HCM.

Chờ Luật đất đai có hiệu lực để giải phóng mặt bằng

Cũng tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP.HCM đã thông tin về tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2024, TP.HCM được giao giải ngân hơn 79.000 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân 11.511 tỉ đồng, chỉ đạt khoảng 14% kế hoạch vốn.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết UBND TP.HCM điều hành rất quyết liệt, tổ chức họp hằng tuần về đầu tư công. Tuy nhiên bên cạnh những nguyên nhân chung thì cũng có những nguyên nhân khác quan, “có những việc họp 5 lần 7 lượt nhưng chưa giải quyết được nên kéo dài”. Đó là những vướng mắc liên quan đến quy hoạch, bồi thường tái định cư, thực hiện dự án, quyết toán….

Phân tích sâu hơn, ông Mãi cho biết trong 79.000 tỉ đồng đầu tư công, có 28.000 tỉ đồng là dự án mới. Những dự án này cần thời gian để thực hiện nên làm chậm tiến độ giải ngân.

Bên cạnh đó, có 22.000 tỉ đồng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Luật đất đai sẽ có hiệu lực vào ngày 1-8 này, do đó các địa phương cũng muốn chờ luật để có chính sách tốt hơn.

Ngoài ra, dự án chống ngập của TP.HCM đang vướng giải ngân 6.800 tỉ, các dự án ODA với 3.700 tỉ. Hai nhóm dự án này thuộc nhóm khó giải ngân.

Những dự án kể trên khoảng 60.000 tỉ đồng, là nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm thấp.

Tuy nhiên, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trong cuộc họp với Chính phủ sáng nay, ông vẫn cam kết giải ngân đạt 90-95% trong năm nay. TP.HCM sẽ tiếp tục phân nhóm, giao việc cụ thể, thành lập các đoàn giám sát và phát huy các tổ công tác để tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ dự án.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *