Sáng nay xét xử đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam, 254 bị cáo hầu tòa

Cơ quan điều tra làm việc với các bị can trong vụ án đăng kiểm – Ảnh do công an cung cấp

Hôm nay (18-7), Tòa án nhân dân TP.HCM bắt đầu khai mạc phiên tòa xét xử vụ án đưa – nhận – môi giới hối lộ, tham ô, lừa đảo, giả mạo công tác… xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác.

254 bị cáo, hơn 200 luật sư, 60 người liên quan…

254 là số lượng các bị cáo bị xét xử trong vụ án này, trong đó có ông Trần Kỳ Hình và ông Đặng Việt Hà từng giữ chức vụ cục trưởng Cục Đăng kiểm và phần lớn các bị cáo là đăng kiểm viên của các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm trên cả nước.

Trong số 254 bị cáo, có một bị cáo bị xét xử vắng mặt về tội nhận hối lộ là ông Đỗ Trung Học (63 tuổi, cựu trưởng phòng tàu sông Cục Đăng kiểm Việt Nam).

Vụ án được xét xử công khai và dự kiến kéo dài trong 3 tháng (từ ngày 18-7 đến ngày 18-10) tại trụ sở Tòa án nhân dân TP.HCM và trại tạm giam Chí Hòa (T30) Công an TP.HCM.

Hội đồng xét xử gồm: thẩm phán Huỳnh Văn Trực (phó chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân TP.HCM) làm chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Trần Minh Châu cùng 3 hội thẩm nhân dân.

Đại diện viện kiểm sát tham gia phiên tòa là các kiểm sát viên: Trần Thị Liên, Nguyễn Vũ Mai Diễm, Lê Trương Hà Linh, Phạm Văn Hiền.

Thẩm phán Huỳnh Văn Trực - chủ tọa phiên tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Thẩm phán Huỳnh Văn Trực – chủ tọa phiên tòa – Ảnh: HỮU HẠNH

Bị hại trong vụ án là Trung tâm đăng kiểm 73-01S (bị hại liên quan hành vi tham ô tài sản của bị cáo Trương Thị Anh Vân – kế toán Trung tâm 73-01S); bị cáo Đặng Việt Hà (liên quan hành vi lừa đảo của bị cáo Nguyễn Văn Chung) và bị cáo Huỳnh Văn Tiến (giám đốc Công ty Tân Á Đông, liên quan hành vi lừa đảo của bị cáo Nguyễn Thành Lê – giám đốc Công ty Vietship).

Ngoài 254 bị cáo, phiên tòa còn có sự tham gia của hơn 200 luật sư bào chữa, gần 60 cá nhân, tổ chức là bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng các lực lượng bảo vệ an ninh.

Ông Phạm Ngọc Duy – chánh văn phòng Tòa án nhân dân TP.HCM – cho biết do tính chất của vụ án nên hội đồng xét xử sẽ tiến hành xét hỏi, thẩm tra đối với từng nhóm tội danh, nhóm hành vi.

Do vậy, khi đến lịch thẩm tra, xét hỏi đối với nhóm các bị cáo nào thì sẽ được trích xuất, dẫn giải đến tòa để thẩm vấn trực tiếp, các bị cáo thuộc nhóm còn lại sẽ được theo dõi phiên xử qua đường truyền.

Cũng theo ông Duy, trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, những hoạt động khác tại Tòa án nhân dân TP.HCM vẫn diễn ra bình thường.

Cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm hưởng lợi 8,5 tỉ đồng, chịu trách nhiệm số tiền nhận hối lộ 40,3 tỉ đồng

Theo cáo trạng, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các phòng và trung tâm đăng kiểm đã đưa ra chủ trương, cùng nhau thống nhất chủ trương, từ đó chỉ đạo các đăng kiểm viên và nhân viên cấp dưới nhận tiền từ các chủ phương tiện để bỏ qua lỗi, bỏ qua các điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường…

Trong đó, ông Trần Kỳ Hình được xác định khi phát hiện có sai phạm, tiêu cực xảy ra tại các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm, chi cục đăng kiểm nhưng không chấn chỉnh, xử lý mà còn nhận tiền hối lộ với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng.

Ngoài ra, ông Hình còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp theo quy định, tạo điều kiện cho các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoạt động trái pháp luật.

Do đó, ông Hình phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “nhận hối lộ” với số tiền 7 tỉ đồng và hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong việc duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện.

Sau khi ông Hình nghỉ hưu, ông Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm cục trưởng Cục Đăng kiểm. 

Tuy nhiên ông Hà không những không chấn chỉnh, xử lý đối với các hành vi tiêu cực, sai phạm mà còn tiếp tục chỉ đạo cấp dưới phải nâng mức hưởng lợi cho mình đối với số tiền tiêu cực, hối lộ phải là cao nhất.

Ông Hà còn chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm khối V (thuộc Cục Đăng kiểm – PV) phải tính tiền nộp cho mình căn cứ vào số lượng phương tiện vào đăng kiểm tại mỗi trung tâm. 

Từ chủ trương của ông Hà, lãnh đạo phòng kiểm định xe cơ giới (VAR), giám đốc các trung tâm đăng kiểm khối V đã thực hiện hành vi tiêu cực.

Do đó, ông Hà phải chịu trách nhiệm chung về số tiền nhận hối lộ của phòng kiểm định xe cơ giới giai đoạn từ ngày 1-8-2021 đến 30-9-2022 là 31 tỉ đồng (Hà được chia 700.000 đồng/1 hồ sơ thẩm định thiết kế đạt, là mức cao nhất theo yêu cầu của Hà đối với số tiền nhận hối lộ của mỗi hồ sơ, số còn lại mới được chia cho lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên văn phòng và quỹ).

Ngoài ra, ông Hà còn phải chịu trách nhiệm về số tiền nhận hối lộ của 4 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP.HCM từ ngày 1-4-2022 đến tháng 11-2022 là 7,7 tỉ đồng; số tiền nhận hối lộ của 5 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP Hà Nội là 780 triệu đồng và số tiền hối lộ của các giám đốc trung tâm đăng kiểm khối D (khối tư nhân) là 680 triệu đồng.

Tổng hợp, ông Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “nhận hối lộ” với tổng số tiền là 40,3 tỉ đồng. Trong đó cá nhân ông này được xác định hưởng lợi 8,5 tỉ đồng.

Sau khi công an vào cuộc điều tra, lo sợ bị bắt nên ông Hà đã chi cho ông Nguyễn Văn Chung để nhờ tìm người thu thập thông tin vụ án. 

Tuy nhiên ông Chung không có khả năng thực hiện mà chiếm đoạt số tiền trên 100.000 USD.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *