Ngày 17-7 (giờ Mỹ, rạng sáng 18-7 giờ Việt Nam), đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức nộp hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS).
Động thái đã thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 18-7. Nhiều đại diện đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội cũng đến họp báo.
Trả lời câu hỏi của truyền thông nước ngoài về vấn đề trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã nhắc lại quan điểm của Việt Nam được nêu trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao sau khi nộp đệ trình.
“Để thể hiện thiện chí và tinh thần trách nhiệm, Việt Nam đã thông báo với các nước liên quan về vấn đề này qua kênh ngoại giao. Các cuộc trao đổi đều diễn ra trong không khí chân thành, hữu nghị và thẳng thắn”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.
Các nước, theo bà Hằng, đều “ghi nhận và tôn trọng quyền của Việt Nam” trong việc nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý, phù hợp với điều 76 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS năm 1982).
Theo điều 76 UNCLOS 1982, khi một quốc gia ven biển muốn xác lập thềm lục địa mở rộng, quốc gia đó phải nộp đệ trình lên CLCS.
Điều này giải thích vì sao ngày 17-7 Việt Nam nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam tại khu vực giữa Biển Đông.
Trước đây, tháng 5-2009, Việt Nam cũng đã đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của mình ở phía Bắc và nộp đệ trình chung với Malaysia về ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực phía nam Biển Đông.
Trong tuyên bố ngày 18-7 ngay sau khi nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng khu vực giữa Biển Đông lên CLCS, Bộ Ngoại giao cho biết trong khu vực Biển Đông, từ năm 2019 đến nay, một số quốc gia ven biển liên quan đã nộp các đệ trình riêng của mình.
Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam nộp đệ trình nhằm “bảo đảm các quyền hợp pháp” của Việt Nam đối với phần thềm lục địa mở rộng của nước ta tại khu vực giữa Biển Đông mà Việt Nam “hoàn toàn có quyền được hưởng phù hợp với điều 76 của UNCLOS”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định căn cứ vào các quy định liên quan của UNCLOS và phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên của mình, “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, khoa học để khẳng định Việt Nam có quyền có thềm lục địa tự nhiên mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam”.
Cũng liên quan đến Biển Đông, tại họp báo thường kỳ ngày 18-7, khi được hỏi về cuộc tập trận gần đây giữa Trung Quốc và Nga trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi cho rằng hợp tác giữa các quốc gia cần đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực”.
Ủy ban Ranh giới thềm lục địa là cơ quan nào?
Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS) gồm 21 thành viên, là các chuyên gia về địa chất, địa vật lý hay địa thủy văn do các quốc gia thành viên UNCLOS đề cử và dựa trên sự công bằng về mặt địa lý.
Với việc đệ trình ngày 17-7, có thể nói Việt Nam đã hoàn tất việc nộp đệ trình về các phần thềm lục địa mở rộng của mình ở Biển Đông.