Ghi nhận trên một số tuyến đường như đường song hành xa lộ Hà Nội, Linh Trung, đường số 13 (phường Linh Trung), quốc lộ 1 tại TP.HCM… có nhiều biển báo giao thông bị nhánh cây, bảng quảng cáo che khuất, gây khó cho người đi đường.
Trên đường dẫn vào Đại học Quốc gia TP.HCM, đoạn giáp ranh phường Linh Trung, TP Thủ Đức với tỉnh Bình Dương có biển báo tốc độ cho phép 30km/h và biển P.106a (cấm xe tải, máy kéo và các loại xe máy chuyên dùng) nhưng bị nhánh cây che khuất.
Nhiều xe tải vì thế liên tục chạy vào đường này để đi tắt ra quốc lộ 1K hoặc giao hàng cho những hộ kinh doanh xung quanh.
Các xe vào khu vực này thường bị các chốt lực lượng an ninh Đại học Quốc gia yêu cầu quay đầu vì đi vào đường cấm. Lúc này tài xế mới ngớ người vì không rõ biển cấm đặt ở đâu. Khi ra tới ngã ba 621 mới biết đường có biển cấm nằm… sau nhánh cây.
Ngược lại, từ trong Đại học Quốc gia ra xa lộ Hà Nội cũng có một biển báo nằm trong lùm cây, phải đến tận nơi mới nhìn rõ đây là biển cấm rẽ trái.
Anh Chánh Tú (tài xế taxi) kể có lần anh đón khách ở Nghĩa trang Thành phố trên đường số 13, phường Linh Trung để chở về quận Bình Thạnh. Khi xe ra tới cuối đường 13 giao với Kha Vạn Cân, anh cho xe rẽ trái vào Kha Vạn Cân thì bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe và báo lỗi anh rẽ trái ở nơi có biển cấm.
Anh Tú không tin nên đi bộ gần 100m quay lại cuối đường 13 quan sát mới thấy biển cấm rẽ trái lọt thỏm giữa những nhánh cây xum xuê.
“Cũng may lần đó tôi chỉ bị nhắc nhở rồi cho đi”, anh Tú nhớ lại.
Theo anh Tú, biển báo giao thông phải đặt nơi rõ ràng để người dân dễ thấy và chấp hành theo. Chứ biển thấp, nằm lọt thỏm như vậy thì những tài xế lạ đường như anh dễ dính phạt oan.
Nhiều người cũng cho rằng các biển báo (đặc biệt biển cấm) phải đặt ở nơi dễ quan sát. Nếu biển cấm bị che khuất thì tài xế ô tô, xe tải lớn khi phát hiện ra khó xử lý, chỉ còn cách thắng gấp, quay đầu dễ dẫn đến va chạm, kẹt xe.