Tham dự hội nghị có hơn 100 đại biểu gồm chánh án, phó chánh án, thẩm phán tòa án tối cao và các lãnh đạo, thẩm phán tòa án các tỉnh giáp biên ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hòa Bình – ủy viên Bộ Chính trị, chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam – khẳng định mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, gắn bó và tin cậy chính trị giữa Việt Nam – Lào – Campuchia là di sản vô giá, có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của ba nước.
“Chúng tôi luôn coi trọng và dành ưu tiên cao độ, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Trong đó việc thành lập và duy trì cơ chế hội nghị tòa án các tỉnh biên giới ba nước là mốc son trong lịch sử hợp tác, đặc biệt đối với lĩnh vực tư pháp, đánh dấu sự nâng tầm hợp tác giữa hệ thống tư pháp ba nước”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Ông Nguyễn Hòa Bình cũng bày tỏ vui mừng trước những thành tựu mà tòa án ba nước đã đạt được thông qua cơ chế hội nghị này.
Qua đó, mối quan hệ hợp tác tư pháp song phương, đa phương giữa ba nước đã được củng cố và nâng tầm; nổi bật là sự phối hợp, liên kết chặt chẽ của hệ thống tòa án ở tất cả các cấp, hơn cả là mối quan hệ gắn bó của các tòa cấp tỉnh trên khu vực biên giới.
Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21 với vô vàn biến cố khó lường, những tổn thất còn sót lại của đại dịch, cộng hưởng với bối cảnh, tình hình diễn biến phức tạp của thế giới và khu vực hiện nay đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới trong việc phòng chống tội phạm và giải quyết các tranh chấp dân sự xuyên biên giới.
Đặc biệt, nhiều vấn đề mới nổi lên trong khu vực ASEAN nói chung và khu vực Đông Dương nói riêng khiến việc ưu tiên, quan tâm hơn nữa tới công tác hợp tác quốc tế về tư pháp; đặc biệt là phối hợp, trao đổi thông tin giữa các tòa án có biên giới giáp ranh trở thành vấn đề cấp thiết.