Ông Nguyễn Ngọc Hòa – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), phó ban tổ chức – cho biết diễn đàn năm nay sẽ diễn ra vào ngày 25-9 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM”.
Chuyển đổi công nghiệp là động lực mới
Trong đó, ngoài phiên toàn thể buổi sáng, trong buổi chiều sẽ có phiên đối thoại chính sách với các bộ ngành, trung ương, các nhà tư vấn có thể nêu những vấn đề quan tâm, kiến nghị giải pháp, định hướng thích ứng cho thành phố trước những xu hướng phát triển mới.
Ngoài ra, đây cũng là dịp lãnh đạo thành phố chia sẻ thông điệp về định hướng, chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi công nghiệp.
Lý giải về chủ đề của diễn đàn, chủ tịch HUBA cho hay thành phố xác định chuyển đổi công nghiệp là động lực mới cho tăng trưởng, phát triển thời gian tới, ngoài những động lực truyền thống đã có từ trước như TP.HCM là đầu mối, là trung tâm, là đầu tàu kinh tế đang tiếp tục được phát huy.
“Thành phố muốn nhấn mạnh việc chuyển đổi công nghiệp tạo ra động lực mới và sức bật mới cũng như đem lại giá trị gia tăng trong quá trình thích ứng. Động lực mới này còn tạo ra nền tảng để thành phố có thể đi xa hơn, đáp ứng được các đòi hỏi mới của thế giới, nâng tầm trong thị trường nội địa. Nhu cầu của người tiêu dùng thế giới với các sản phẩm, dịch vụ xanh ngày càng cao hơn”, ông Hòa lý giải.
Không những vậy, chuyển đổi công nghiệp sẽ giúp phát triển của thành phố bền vững hơn, đó cũng là chuyển đổi kép sau chủ đề phát triển xanh được bàn đến trong diễn đàn năm ngoái.
Đặc biệt trong khuôn khổ HEF 2024, TP.HCM sẽ ra mắt Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) với trụ sở đặt tại Khu công nghệ cao. Đây là trung tâm thứ hai được thành lập ở Đông Nam Á, sau C4IR Malaysia và là trung tâm thứ 19 trên toàn thế giới, đánh dấu thành phố chính thức trở thành thành viên trong hệ sinh thái của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Nhiều hoạt động tương tác với người dân, doanh nghiệp
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, HEF 2024 sẽ có nhiều hoạt động gắn liền với doanh nghiệp, người dân thành phố xuyên suốt từ tháng 4 đến tháng 10-2024. Đáng chú ý là giáo sư Klaus Schwab – chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) – sẽ đến thành phố và có buổi nói chuyện truyền cảm hứng với giới trẻ TP.HCM.
HEF 2024 dự kiến có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ ngành trung ương, lãnh đạo thành phố; đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự; các địa phương nước ngoài; các định chế tài chính quốc tế (World Bank, IFC, ADB…).
Ngoài ra còn có sự tham gia của các tổ chức quốc tế như WEF, các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 25 quốc gia; doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, khoảng 50 chuyên gia trong nước cũng như chuyên gia ở các quốc gia.
Những quốc gia này đã có sự thành công trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cùng đại diện lãnh đạo địa phương quốc tế có quan hệ hữu nghị hợp tác với thành phố.
Cũng theo ông Hòa, diễn đàn năm nay cùng thảo luận nhiều chủ đề. Trong đó, phiên toàn thể sẽ bao gồm các báo cáo dẫn đề cho các phiên song song: Xu thế chủ đạo (Megatrend) về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới;
Hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; Chiến lược chuyển đổi công nghiệp TP.HCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; Vai trò Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TP.HCM gắn với chuyển đổi công nghiệp…
Ba phiên song song có chủ đề liên quan đến vai trò của C4IR, các mô hình quản trị của các quốc gia/địa phương đi trước trong quá trình chuyển đổi công nghiệp, từ đó đưa ra hàm ý chính sách cho các nước đang phát triển như Việt Nam và địa phương là TP.HCM.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển cho thấy quá trình chuyển đổi công nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp TP.HCM nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, tăng thị phần, doanh thu và khả năng giữ chân khách hàng lẫn đối tác; hướng đến phát triển bền vững, đạt cả mục tiêu kinh tế – xã hội lẫn môi trường.
Là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, tập trung các hoạt động kinh tế trọng điểm, TP.HCM có nền tảng thuận lợi để thử nghiệm các chính sách chuyển đổi công nghiệp.
Tuy nhiên, điều này cũng mang lại nhiều thách thức khi xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ đảm bảo hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi công nghiệp.