Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 19h tối nay 19-7, áp thấp nhiệt đới đang ở trên vùng biển phía đông của khu vực giữa Biển Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km/h và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 19h tối mai, tâm bão ở trên khu vực bắc Biển Đông, cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 10-15km/h.
Đến 19h tối 21-7, tâm bão ở trên vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 230km về phía đông đông nam. Cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 10km.
Ông Nguyễn Văn Hưởng – trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – cho biết do áp thấp nhiệt đới ở giai đoạn mới hình thành, nên khả năng còn thay đổi hướng di chuyển và cường độ trong những ngày tới. Do đó trung tâm đang theo dõi sát và sẽ cập nhật dựa trên dữ liệu quan trắc cập nhật mới nhất.
“Diễn biến áp thấp còn phức tạp, trước mắt người dân cần lưu ý những tác động của áp thấp nhiệt đới trên biển” – ông Hưởng nói và cho biết ở vùng biển phía đông của khu vực bắc và giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 2-4m.
Ngoài ra, ở vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, phía tây của khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm phía tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8.
Ông Hưởng cũng cho biết trong những ngày tới khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chịu tác động của gió mùa Tây Nam mạnh nên khu vực này tiếp tục có mưa vừa, mưa to trên diện rộng.
Còn ở Bắc Bộ vẫn có mưa lớn cục bộ ở miền núi. Do vậy người dân cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.