Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm qua và rạng sáng nay 22-7, bão số 2 đã tăng lên cấp 9, giật cấp 11 và đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Lúc 7h sáng nay, tâm bão số 2 đang ở trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11.
Từ ảnh mây vệ tinh có thể thấy sáng nay, vùng mây đối lưu của bão đang bao trùm vịnh Bắc Bộ.
Cơ quan khí tượng dự báo khoảng trưa nay, bão số 2 đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Sau đó bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, hướng vào đất liền các tỉnh, thành phố Hải Phòng – Quảng Ninh.
Dự báo 7h sáng mai, tâm bão ở ngay trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng, cường độ bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Trong sáng và trưa mai, bão đi vào đất liền hai tỉnh này, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi vùng áp thấp ở khu vực phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Do ảnh hưởng của bão số 2, ở vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông sáng 22-7 còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh.
Vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh.
Từ gần sáng ngày 23-7, vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh có khả năng chịu tác động của gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) độ cao sóng tăng dần lên 2-4m, vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Ninh sóng biển cao 1,5-2,5m.
Ven biển các tỉnh Quảng Ninh – Nam Định đề phòng triều cường cao (vào buổi chiều ngày 22 và 23-7) kèm theo nước dâng và sóng lớn gây ngập tại khu vực trũng, thấp làm chậm quá trình thoát lũ trên các sông tại khu vực.
Từ đêm nay đến ngày 24-7, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến ở khu vực ven biển Bắc Bộ và khu vực Đông Bắc Bộ từ 100-200mm, có nơi trên 250mm. Các nơi khác ở Bắc Bộ và Thanh Hóa: 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Ngoài ra, ngày và đêm 22-7 ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm.
Chiều tối và đêm 22-7 ở khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 70mm.
Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Đảm bảo an toàn đê điều Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, hiện nay mực nước lũ một số sông khu vực Bắc Bộ (sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Đào, sông Trà Lý, sông Lạch Tray,…) lên mức báo động (BĐ) 1 – BĐ2.
Đặc biệt một số tỉnh, thành phố khu vực hạ du sông Hồng, sông Thái Bình do ảnh hưởng của thủy triều, mực nước sông lên mức BĐ3 (sông Đào tại trạm Trực Phương, Nam Định lúc 19h 21-7-2024 là 2,64m, trên BĐ3 là 0,04m).
Trong khi đó cơ quan khí tượng dự báo ở Bắc Bộ có mưa lớn nhiều ngày tới; để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, sáng 22-7, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai có công văn đề nghị các tỉnh, thành Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu trên các tuyến đê, các vị trí đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục.
Rà soát các công trình đê điều đang thi công dở dang, đặc biệt là các cống qua đê để chủ động triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là trong tình huống bão đổ bộ và mưa lớn kéo dài gây lũ trên hệ thống sông.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ và bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.