Theo chuyên gia, phần lớn do thí sinh chưa hiểu rõ về ngành nghề và thậm chí không hiểu được chính mình nên cứ loay hoay trong việc chọn ngành và đổ xô vào ngành “hot”.
Thay đổi sau một đêm
Thí sinh Đăng Khôi (Vĩnh Long) đã đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ngành công nghệ thông tin của một trường đại học ở TP.HCM nhưng mấy tuần qua vẫn thấy bối rối, chưa biết chốt nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT.
Khôi có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 với bài thi khoa học xã hội và điểm thành phần mỗi môn tương đối cao. Thực tế sức học của Khôi ở các môn khoa học tự nhiên không tệ, nhưng bạn vẫn không tự tin lựa chọn bài thi này để thi.
“Em nghe nhiều người bảo chọn ngành công nghệ thông tin sẽ có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao nên đã đăng ký xét tuyển sớm và đủ điều kiện trúng tuyển ngành này. Nhưng em cảm thấy rất lo vì thực sự bản thân không biết nhiều về công nghệ và cũng không đam mê ngành này. Điểm thi khối C00 đạt hơn 25 điểm, nhiều bạn khuyên em chọn ngành báo chí hoặc truyền thông đa phương tiện”, Khôi chia sẻ.
Do vậy, thí sinh này dự định đăng ký nguyện vọng theo thứ tự: truyền thông đa phương tiện, báo chí, công tác xã hội, quản lý nhà nước, công nghệ thông tin (đã trúng tuyển sớm). Nhưng do vẫn còn lăn tăn vì thực sự chưa hiểu rõ về ngành học nên Khôi đã liên hệ chuyên gia tư vấn tuyển sinh.
“Đi dự Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024 ở Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) ngày 20-7, em được các thầy tư vấn. Sau một đêm suy nghĩ kỹ, em đã thay đổi hoàn toàn nguyện vọng xét tuyển dự kiến.
Nhận thấy mình phù hợp với ngành luật nên em ưu tiên chọn ngành này vào Trường ĐH Cần Thơ và rất hy vọng sẽ đậu. Trước giờ do thấy vẻ hào nhoáng của ngành báo chí – truyền thông nên em cứ muốn lao vào, trong khi thực sự chưa hiểu rõ”…
Đổ xô vào ngành “hot”
Đến mỗi mùa tuyển sinh đại học, thí sinh đều muốn chọn ngành “hot” để đăng ký xét tuyển, chấp nhận rủi ro cao, rớt hoặc khi vào học lại nhận thấy không phù hợp. Những ngành học được cho là “hot” những năm gần đây luôn thu hút đông đảo thí sinh gồm y dược, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, ô tô, du lịch, báo chí, truyền thông đa phương tiện, tâm lý, sư phạm tiếng Anh, quan hệ quốc tế, tài chính ngân hàng, kinh doanh quốc tế…
Những ngành học này liên tục nhiều năm qua đều có điểm chuẩn rất cao ở các trường, có ngành 29-30 điểm. Trong khi trên thực tế, với nhiều ngành khó tuyển, xã hội vẫn có nhu cầu nhân lực nhưng học sinh lại không muốn theo học nên có ngành chỉ vài thí sinh trúng tuyển. Lý giải về việc này, theo chuyên gia, do phần lớn học sinh và phụ huynh hiểu sai về ngành nghề.
GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định: “Rất nhiều học sinh nghĩ rằng muốn làm việc trong một lĩnh vực ngành nghề nào đó thì phải chọn học ngành đó.
Điều đáng nói không chỉ học sinh mà ngay cả không ít phụ huynh cũng nghĩ như vậy nên thường định hướng và muốn con mình vào ngành “hot”. Tuy nhiên, hiểu như vậy là không chính xác vì một lĩnh vực nghề nghiệp cần nhân lực của nhiều ngành khác nhau. Bên cạnh đó, không ít học sinh chưa xác định rõ sở thích và năng lực bản thân nên nhiều lúng túng trong chọn ngành học”.
ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Tài chính – Marketing, cũng cho rằng việc chọn ngành học của thí sinh nhiều năm gần đây khá “thực dụng”.
“Ngành hot, nghề mốt, ra trường lương cao, cơ hội làm việc lớn, môi trường hấp dẫn luôn là những thông tin khiến thí sinh đổ xô theo học. Tôi cho rằng hiện nay học sinh sau khi tốt nghiệp THPT phần lớn chọn nghề chưa thật phù hợp vì chưa có thông tin đầy đủ và chính xác về nghề, trong khi bản thân chưa hiểu hết khả năng và tố chất của mình”, thầy Châu nói.
Cân nhắc kỹ giữa đam mê và năng lực
TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho hay ngành báo chí nhiều năm qua luôn nằm trong số ngành có điểm trúng tuyển cao nhất của trường do sự hào nhoáng của nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành truyền thông đa phương tiện cũng đang trở thành ngành “hot” thu hút đông đảo thí sinh và năm nay ngành này điểm chuẩn cao nhất ở các phương thức xét tuyển sớm của trường.
Truyền thông đa phương tiện là ngành học có tính ứng dụng cao bởi quá trình kết hợp giữa kiến thức về báo chí, công nghệ mới, tiếp thị, nghệ thuật… trong việc sáng tạo, thiết kế sản phẩm mang tính đa phương tiện và tương tác cao ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, giáo dục và giải trí…
Người làm công việc này cần có khả năng viết lách tốt, có năng khiếu thẩm mỹ và nhạy cảm với vẻ đẹp của cuộc sống để truyền tải thông điệp một cách hiệu quả. Để làm việc tốt và phát triển trong lĩnh vực này cần phải chăm chỉ, nhẫn nại và tinh thần học hỏi.
“Theo tôi, tùy theo sức học, đặc biệt thí sinh phải xác định rõ sở trường và đam mê của mình để chọn chuyên ngành nào đó. Không nhất thiết phải chọn đúng tên gọi ngành học cụ thể nào. Vì những khối kiến thức chung, kiến thức cơ sở ngành đều dựa trên nền tảng giống nhau.
Trong quá trình học tập và làm việc sau này có thể tìm hiểu, cập nhật kiến thức cho mình. Như vậy trước hết các bạn cầm tìm hiểu sở trường, tính cách của mình phù hợp với định hướng nghề nghiệp nào, từ đó tìm hiểu các ngành học lĩnh vực liên quan, hơn là chọn một ngành cụ thể”, thầy Hạ tư vấn.
Không nên quá mơ mộng khi chọn ngành học
Y khoa, răng hàm mặt và dược học là những ngành luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo thí sinh với lượng nguyện vọng đăng ký lớn. Thực tế có không ít phụ huynh mong muốn con mình chọn ngành y khoa, thậm chí còn “ép” con phải chọn ngành này.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, khuyên: “Việc chọn ngành cần cân nhắc kỹ giữa đam mê và năng lực của mình, không nên quá mơ mộng dẫn đến việc rớt đại học. Nếu thật sự quá yêu thích ngành y khoa nhưng không tự tin điểm số, thí sinh có thể chọn học ngành y học cổ truyền và y học dự phòng để theo đuổi đam mê của mình”.
Ngành ít, nghề nhiều
Theo ThS Phùng Quán, chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện nay ở Việt Nam có khoảng 240 trường đại học với gần 370 ngành đào tạo, trong khi có hơn 3.000 nghề khác nhau.
“Như vậy có thể thấy số ngành rất ít mà số nghề rất nhiều. Điều quan trọng nhất là các em cần biết mình phù hợp với công việc nào, muốn làm gì và nên chọn những ngành học mình có thế mạnh và yêu thích”, thầy Quán khuyên.
Sắp xếp nguyện vọng ra sao?
Chia sẻ ở Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – nhấn mạnh các thí sinh đã có kết quả trúng tuyển sớm của các trường vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Năm trước chúng tôi đã phải xử lý các trường hợp thí sinh yên tâm với việc đã trúng tuyển sớm nên đi du lịch mà không đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển lên hệ thống. Khi biết việc phải đăng ký thì hệ thống đã đóng lại” – bà Thủy nói.
Bà Thủy tư vấn thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng mà nên cân nhắc, phân bổ số nguyện vọng (có các ngành mình yêu thích và có các ngành có cơ hội đậu cao) để hạn chế rủi ro trượt tất cả các nguyện vọng.
Một phụ huynh hỏi nguyện vọng 1 có được ưu tiên hơn các nguyện vọng sau đó và nên sắp xếp các nguyện vọng ra sao. Trả lời câu hỏi này, bà Thủy khuyên thí sinh cần xếp thứ tự các nguyện vọng của mình theo thứ tự ưu tiên (sự mong muốn, yêu thích). Nếu thí sinh đỗ nguyện vọng 1 thì hệ thống sẽ không xét tiếp, cho dù thí sinh có đủ điều kiện trúng tuyển các nguyện vọng khác.
Về phía các trường, theo quy định hiện nay, không phải các trường ưu tiên nhận hết thí sinh có nguyện vọng 1 rồi mới xét nguyện vọng 2 hay 3… mà sẽ xét công bằng với tất cả các nguyện vọng, thí sinh đủ điều kiện sẽ được xét trúng tuyển.