Thông tin được ông Đào Minh Tú – phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước – cho biết tại họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 23-7.
Cụ thể, về chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng hiện đang được bốn ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước tham gia cho vay. Đến nay, có bốn ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đăng ký tham gia với 5.000 tỉ đồng/ngân hàng.
Như vậy, tổng số vốn của chương trình này đạt 140.000 tỉ đồng.
Để hỗ trợ người vay mua nhà ở xã hội, trao dổi với các cơ quan báo chí, ông Tú thông tin Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ giảm lãi suất cho vay mua nhà mức 3% so với lãi suất bình quân của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.
Như vậy, mức ưu đãi được đề xuất sẽ tăng thêm 1% so với mức áp dụng hiện nay là 2%. Thời gian xác định lãi suất cho vay 3 tháng/lần, được rút ngắn một nửa so với hiện nay.
“Ngoài ra, thời gian vay ưu đãi chương trình cũng được đề xuất 5 năm thay vì 3 năm. Tuy nhiên, sau năm năm tiếp theo, lãi suất cho vay tiếp tục được giảm, tùy theo điều kiện nền kinh tế lúc đó nhưng tối thiểu mức giảm 1-2%/năm. Không phải sau 5 năm, lãi suất cho vay sẽ được thả nổi. Như vậy, người vay mua nhà ở xã hội sẽ lo lắng” – ông Tú nhấn mạnh.
Với chính sách cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp xây dựng và triển khai dự án nhà ở xã hội, theo ông Tú, vẫn áp dụng như hiện nay. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng cũng như các tập đoàn kinh tế lớn thúc đẩy cho nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội.
Thông tin thêm về kết quả triển khai chính sách cho vay nhà ở xã hội, tại buổi họp báo, bà Hà Thu Giang – vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) – cho biết đến nay có 34/63 tỉnh, thành công bố 78 dự án nhà ở xã hội thuộc đối tượng được vay gói tín dụng này.
Số vốn được các ngân hàng thương mại giải ngân được 1.344 tỉ đồng, trong đó cho chủ đầu tư 1.295 tỉ đồng và người vay mua nhà 4,9 tỉ đồng.
Khó khăn vướng mắc là số dự án nhà ở xã hội còn hạn chế. Trong số 78 dự án thuộc danh mục được vay vốn gói tín dụng này, có nhiều dự án không có nhu cầu vay vốn.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại phản ánh có những dự án còn vướng mắc thủ tục pháp lý như giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất… nên chưa đủ điều kiện được giải ngân.