Theo báo thể thao L’Équipe của Pháp, làng Olympic dành cho vận động viên đã sớm gặp sự cố sau khi nhiều VĐV đến ngụ tại đây phàn nàn về chuyện thiếu đồ ăn và chậm cải thiện sau khi có những phàn nàn.
Đáng nói là món bị phản ánh nhiều nhất lại chính là trứng gà trong bữa ăn sáng. Các VĐV đã phản ánh từ đầu tuần và đến sáng thứ tư 24-7, tình hình mới được giải quyết. Có VĐV đã nói thẳng là chuyện ăn uống ở Nhật kỳ Olympic Tokyo 2020 (tổ chức năm 2021) tốt hơn hẳn.
Tập đoàn siêu thị Carrefour, đơn vị đảm trách việc cung ứng thực phẩm cho làng VĐV (khoảng 600 tấn trong đơn hàng này) nhìn nhận: “Sau mấy ngày đầu thống kê đánh giá lại thì mới thấy cần phải nâng số lượng thực phẩm so với dự kiến ban đầu. Tập đoàn chúng tôi đủ sức giải quyết vấn đề này”.
Trong khi đó, Công ty Sodexo Live – đối tác phụ trách dịch vụ nấu nướng cho chương trình Olympic Paris 2024 – đã lên tiếng khẳng định xem trọng những phàn nàn của các VĐV và đảm bảo đang làm việc tích cực để đáp ứng nhu cầu tăng thêm cho bữa ăn cũng như số VĐV đến đông hơn.
Hiện các đầu bếp trong làng Olympic, đều là những đầu bếp nổi tiếng có sao Michelin, phải đảm bảo phục vụ 40.000 phần ăn mỗi ngày. Theo báo New York Times, dù đón tổng cộng đến hơn 10.000 VĐV, nhưng vì lịch thi đấu khác nhau và trải dài, thông thường chỉ có khoảng 4.000 – 6.000 VĐV ở làng VĐV trong cùng một thời điểm.
Dù vậy họ cũng đối mặt những thách thức thường nhật không nhỏ trước trào lưu ăn uống lành mạnh của con người nói chung và các VĐV nói riêng.
Trong số 500 món ăn phục vụ mỗi ngày có đến gần 2/3 là “đồ chay”, tức chế biến chủ yếu từ rau củ quả các loại.
Nhưng không chỉ có chuyện thiếu thức ăn, theo báo The Times của Anh, các VĐV Anh cũng đã phản ứng mạnh với chuyện thiếu đồ ăn (không chỉ trứng mà còn cả thịt gà) và đồ ăn không ngon (ví dụ như thịt nấu nướng chưa chín) nên phía Anh đã phải tức tốc điều đầu bếp phù hợp sang hỗ trợ.
Trên báo The Times, ông Andy Anson – lãnh đạo đoàn thể thao Anh, nói thẳng là thực phẩm trong làng Olympic là “không phù hợp” và yêu cầu phía Pháp phải có sự cải thiện căn cơ. Theo ông, một số VĐV vì lo đói đã phải lấy đồ ăn bữa trưa mang về để dành cho bữa tối.
Do những phàn nàn quá nhiều trong đoàn, phía Anh đã phải điều một đầu bếp từ Anh sang để lo ăn tối cho các VĐV của mình.
Một trong những thách thức với các đầu bếp nấu nướng cho VĐV kỳ Olympic Paris lần này là phải đạt được xanh và sạch. Về xanh thì họ không chỉ phải đảm bảo 1/3 lượng thực phẩm có nguồn gốc thực vật mà còn phải đạt chỉ tiêu giảm 1/2 lượng khí thải cacbon khi nấu nướng so với kỳ Olympic London 2012.
Về sạch thì 25% nguyên liệu nấu nướng xuất phát từ các khu vực quanh Paris trong vòng bán kính 250km và 20% trong số đó đạt tiêu chuẩn nuôi trồng sinh học.
Ngoài ra còn có những yêu cầu như thịt, sữa và trứng phải có xuất xứ từ Pháp.