Myanmar, Biển Đông phủ bóng hội nghị ASEAN

Các quan chức ngoại giao ASEAN, trong đó có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt (thứ ba từ phải qua), dự một hội nghị ở Vientiane vào ngày 26-7 – Ảnh: Reuters

Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tham gia chuỗi hội nghị lần này. Sự kiện ở Vientiane còn có sự tham gia của ngoại trưởng các nước lớn là đối tác của ASEAN như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.

Một động thái sai lầm ở Biển Đông sẽ biến một đám cháy nhỏ thành một cơn bão lửa khủng khiếp.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói ngày 25-7

Thúc đẩy COC

Không ngoài dự đoán, xung đột ở Myanmar và căng thẳng ở Biển Đông đã phủ bóng chương trình nghị sự của AMM-57. “Không có tiến bộ nào trong việc thực hiện đồng thuận 5 điểm. Và nếu vẫn không có tiến bộ, sự tham gia của Myanmar vào các hội nghị thượng đỉnh và hội nghị ngoại trưởng ASEAN phải được giữ ở cấp độ phi chính trị” – Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi gây sức ép tại hội nghị ngày 25-7, trong bối cảnh giao tranh ngày càng ác liệt giữa chính quyền quân sự và phe nổi dậy ở Myanmar.

Cuộc xung đột nhức nhối ở Myanmar được đánh giá là thách thức cho ASEAN, khi kế hoạch hòa bình 5 điểm vốn được thống nhất sau cuộc chính biến năm 2021 đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Theo Hãng tin Reuters, chủ tịch ASEAN năm nay (Lào), Indonesia và chủ tịch ASEAN năm sau (Malaysia) trong tuần này đã thảo luận về kế hoạch, trong đó kêu gọi các bên ngừng bắn và đàm phán nhưng chưa rõ có cách tiếp cận mới hay không.

Ngoại trưởng Malaysia Mohamad Hasan đã bày tỏ quan ngại về việc thiếu đối thoại, trong khi người đồng cấp Thái Lan Maris Sangiampongsa cho biết Bangkok đã nhận được sự ủng hộ từ ASEAN để đóng vai trò lớn hơn và đề xuất đàm phán mở với tất cả các bên liên quan.

Một điểm nóng khác là vấn đề Biển Đông và dự thảo tuyên bố chung được Hãng tin AFP dẫn lại tỏ lo ngại về “những sự cố nghiêm trọng” thời gian qua “đã làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, làm gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.

Hội nghị AMM lần này sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông. Indonesia hy vọng bộ quy tắc này có thể sẵn sàng ký kết vào năm 2026. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng khó có thể đạt được một văn bản mang tính ràng buộc hoặc có hiệu lực thi hành bởi một số quốc gia ASEAN khẳng định nó phải dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Trung Quốc cho biết họ ủng hộ một bộ quy tắc nhưng không công nhận phán quyết của trọng tài năm 2016 cho rằng tuyên bố chủ quyền của họ đối với phần lớn Biển Đông không có cơ sở theo UNCLOS.

Tình hình đang trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh các cuộc đối đầu liên tiếp giữa Trung Quốc và Philippines ở các rạn san hô đang tranh chấp bên trong “vùng đặc quyền kinh tế” của Manila. Theo nhà ngoại giao cấp cao Theresa Lazaro của Philippines, Manila sẽ đề xuất thành lập Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN gồm các nước thành viên khối để tạo điều kiện đối thoại và thực thi pháp luật. Tuy nhiên, kế hoạch có thể sẽ khiến Trung Quốc nổi giận.

Nói về “thỏa thuận tạm thời” mới đây giữa Philippines và Trung Quốc cho phép tiếp tế nhu yếu phẩm hằng ngày và thực hiện các nhiệm vụ luân phiên tới tiền đồn của Manila ở bãi Cỏ Mây, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn hy vọng thỏa thuận này có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng.

ASEAN cần đoàn kết

Hội nghị AMM cũng quy tụ các nhà ngoại giao hàng đầu thế giới với những mối quan tâm khác nhau. Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nơi lượng thương mại hơn 3.000 tỉ USD đi qua mỗi năm.

“Ngoại trưởng sẽ nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và ủng hộ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có chung các nguyên tắc cơ bản với Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ” – tuyên bố nêu. Ông Blinken dự kiến cũng sẽ gặp trực tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Lào.

Trong khi đó, ông Vương Nghị đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào ngày

26-7. Ông Lavrov cho biết hai bên đã thảo luận “chi tiết” các vấn đề hợp tác trong ASEAN và việc triển khai “một kiến trúc an ninh mới” ở khu vực Á – Âu (một sáng kiến của Tổng thống Vladimir Putin). Còn Tân Hoa xã dẫn lời ông Vương nói rằng Bắc Kinh “sẵn sàng hợp tác với Nga để duy trì cấu trúc hợp tác khu vực cởi mở, toàn diện và lấy ASEAN làm trung tâm” trước “những xáo trộn và trở ngại từ bên ngoài”.

Trong bối cảnh ASEAN bị lôi kéo từ mọi hướng, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh các nước thành viên ASEAN phải đoàn kết và giữ vai trò trung tâm tại khu vực. “Một khi ASEAN trở thành một tổ chức ủy quyền, khối này sẽ gặp khó khăn trong việc đóng vai trò trung tâm duy trì nền tảng hòa bình và ổn định trong khu vực”, bà Retno nói trên tờ Jakarta Post.

Hôm nay (27-7), các nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga cùng nhiều nước khác sẽ cùng tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á và Diễn đàn khu vực ASEAN tập trung vào vấn đề an ninh. Hội nghị cấp cao dự kiến thảo luận các vấn đề như chiến tranh ở Gaza, xung đột ở Ukraine, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và vấn đề Triều Tiên.

ASEAN qua các con số

ASEAN có tổng GDP trên 10.000 tỉ USD. Các quốc gia thành viên cộng lại sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới. Khối có diện tích đất liền là 4,5 triệu km2 (khoảng một nửa tổng diện tích của Trung Quốc hoặc Mỹ) và có dân số hơn 600 triệu người.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *