Chiều 27-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27-7 và Di tích lịch sử quốc gia 60 Liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915; thăm hỏi, tặng quà các đại biểu người có công tại Thái Nguyên.
Chuyến công tác của người đứng đầu Chính phủ diễn ra trong dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ.
Đời sống người có công không ngừng được cải thiện
“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Thủ tướng dẫn 2 câu tục ngữ và cho rằng đây được coi là truyền thống tốt đẹp, quý báu, được hun đúc, vun đắp bởi biết bao thế hệ người dân Việt Nam trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử.
Ông cũng nêu rõ buổi gặp mặt hôm nay diễn ra trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào cả nước trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, người luôn đặc biệt quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Ở nước ta, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất; nhưng vẫn còn đó những nỗi đau, vết thương vẫn ngày đêm đau nhức.
“Nhiều người đã mãi mãi không trở về, máu thịt các anh, các chị đã hòa vào sông núi. Có người được may mắn trở về nhà nhưng đã để lại một phần thân thể, xương thịt của mình nơi chiến trường hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, các di chứng bệnh tật khác”, theo người đứng đầu Chính phủ.
Thấu hiểu nỗi đau đó, 77 năm qua Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo và có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội” ngày càng phát triển. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực, có hiệu quả.
Ngày 1-7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị định 77/2024 điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng (tăng 35,7%).
Với những chính sách đó, Thủ tướng đánh giá đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện về cả vật chất và tinh thần.
Tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là lấy con người là trung tâm; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trong tổng thể chính sách an sinh xã hội, chính sách với người có công luôn luôn được ưu tiên hàng đầu. Trong đó ngoài các chính sách chung, các địa phương và cơ quan, tổ chức cũng có những chính sách riêng và những nghĩa cử cao đẹp với người có công và thân nhân trong điều kiện có thể.
Thủ tướng bày tỏ xúc động khi nhiều cựu chiến binh, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã nỗ lực vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.
“Các bác, các anh, các chị không chỉ là những anh hùng trong chiến đấu, mà còn là những chiến sĩ tiên phong trong học tập, lao động, sản xuất, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là những tấm gương sáng để các thế hệ trẻ tự hào, học tập và noi theo”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá hiện đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn.
Do đó ông yêu cầu các cấp, các địa phương tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách với người có công, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn, với tinh thần không có người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi.
Đồng thời cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi phù hợp; tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị, kêu gọi mỗi tổ chức, cá nhân tiếp tục có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, bằng tất cả tấm lòng, trái tim và coi đây là trách nhiệm, tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
“Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Chính phủ, Thủ tướng sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn”, Thủ tướng nói.
Khu Di tích lịch sử quốc gia 27-7 là địa điểm công bố bức thư của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh – Liệt sĩ.
Đồng thời Di tích lịch sử quốc gia 60 Liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915 là nơi 60 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.