Hồi tháng 5 năm nay, khi được yêu cầu dự đoán về khả năng AI thống trị trong tương lai, tỉ phú Elon Musk cho biết: “Có lẽ không còn ai trong chúng ta có việc làm. AI và robot sẽ cung cấp tất cả những mặt hàng và dịch vụ mà bạn cần”.
Cùng cảnh báo, nhà đầu tư mạo hiểm huyền thoại Vinod Khosla cho rằng những quốc gia hiện đang sử dụng loại công nghệ này nên cẩn trọng vì “nhu cầu làm việc trong xã hội sẽ biến mất chỉ trong 25 năm”.
Elon Musk và Vinod Khosla là những tỉ phú tự thân vô cùng thông minh. Tuy nhiên, đứng trước những nhận định của họ về tương lai AI thống trị thị trường lao động, con người bắt đầu nghi ngờ với sự dè chừng.
Sự thật là chúng ta đã từng trải qua những dự đoán tương tự trong quá khứ, nhưng không phải dự đoán nào cũng chính xác.
Chẳng hạn từ những năm 1960, nước Mỹ đã vô cùng hứng thú với những dự đoán về thập niên 2000. Cuốn sách Năm 2000, do Herman Kahn và Anthony J. Wiener viết vào năm 1967, đã phác họa chi tiết về cách mà những thay đổi này sẽ xảy ra.
Theo cuốn sách, vào năm 2000, chúng ta có thể làm việc chỉ 30 giờ/tuần, nghỉ phép 13 tuần/năm và vẫn có mức sống cao gấp đôi so với năm 1965.
Nhưng thực tế là vào năm 2000, dù lực lượng lao động đã tăng 10% so với năm 1960 lên mức 48% dân số, nền kinh tế vẫn không phát triển bằng quy mô dự kiến tối thiểu mà cuốn sách đã dự đoán.
Có một bài học rõ ràng rằng ngoại suy (suy luận những điều chưa biết từ những gì đã biết) bất kỳ xu hướng nào trong tương lai cũng sẽ dễ dẫn đến sai lầm. Do đó, sẽ thật thiếu thận trọng nếu cho rằng AI sẽ phát triển đến mức con người không còn việc gì để làm.
Rất dễ để hình dung các công việc hiện tại ngày nào đó sẽ biến mất, nhưng sẽ gần như không thể dự đoán liệu ngành nghề nào mới sẽ ra đời.
Trước thời điểm Internet bùng nổ, không ai có thể tin rằng một ngày nào đó con người có thể kiếm sống bằng việc làm podcast, khai thác tiền điện tử hay trở thành những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Điều quan trọng hơn cả là con người vốn được “lập trình” để coi trọng quá trình tương tác trực tiếp. “Miễn là còn nắm quyền kiểm soát, con người sẽ không thể bị loại bỏ hoàn toàn trong các công việc tương lai” – tạp chí Fortune kết luận.