Nội dung được nêu từ buổi tọa đàm về việc thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội số 57 năm 2014 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65 năm 2020 do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 30-7.
Vấn đề về tiêu chuẩn lựa chọn đại biểu Quốc hội (đại biểu Quốc hội) sau khi có một số đại biểu bị sai phạm, phải xử lý thời gian qua được các đại biểu tham dự bàn luận tại tòa đàm.
Bà Võ Thị Dung – nguyên phó bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng người dân rất ủng hộ công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nhưng cũng rất lo lắng khi có một số đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật đến mức phải khởi tố, các vị trí cán bộ chủ chốt bị thay đổi.
Bà Dung đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, cần thiết có cơ chế giám sát của nhân dân. Đây là vấn đề khó nhưng cần làm vì quy định hiện nay quá chung chung. Có thể sửa đổi quy định để phù hợp với quy định 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới do Bộ Chính trị vừa mới ban hành.
“Cần quy định rõ hơn về trình độ, sức khỏe, sự tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, chứ nói chung chung thì rất khó, khi tiêu chuẩn chung chung thì ai cũng ứng cử, quá trình chọn lựa sẽ khó khăn. Khi đã có tiêu chuẩn cụ thể, đại biểu Quốc hội vi phạm các tiêu chuẩn đó trong quá trình làm đại biểu hoàn toàn có thể bị xem xét xử lý”, bà Dung nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Vũ, giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM, đề nghị trước khi phê chuẩn các ứng viên phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ cần phải trải qua phiên chất vấn của Quốc hội.
Việc bổ sung phiên chất vấn này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nhân sự của tập thể Chính phủ, bởi Quốc hội có cơ sở để đánh giá năng lực, trình độ, phẩm chất của ứng viên. Đây cũng là cơ hội để ứng viên trình bày quan điểm kế hoạch hành động và những cam kết của họ nếu được bổ nhiệm.
Bổ sung quyền miễn trừ với phát ngôn của đại biểu Quốc hội
Việc bảo vệ phát ngôn của các đại biểu Quốc hội trong các kỳ họp Quốc hội cũng là vấn đề được các đại biểu trao đổi.
Ông Cao Vũ Minh, giảng viên Trường đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết điều 37 Luật Tổ chức Quốc hội có quy định quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội nhưng trên thực tế quy định này chỉ ghi nhận về quyền bất khả xâm phạm (không bị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc) của đại biểu Quốc hội.
Quy định này không nhắc đến quyền miễn trừ trách nhiệm của đại biểu đối với các phát ngôn của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Theo ông Minh, với quá trình đổi mới và hoạt động ngày càng dân chủ của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã bắt đầu phải đối mặt với nguy cơ phải chịu trách nhiệm pháp lý về những phát ngôn của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là người đại diện của nhân dân.
Thậm chí những phát ngôn từ chất vấn lại có thể trở thành đề tài công kích từ phía những chủ thể khác.
Vì vậy, để bảo đảm sự độc lập và tự do trong việc trình bày chính kiến của các đại biểu Quốc hội, việc quy định về quyền miễn trừ đối với các phát ngôn của đại biểu trong nhiệm kỳ là hết sức cần thiết.