Ghi nhận trên các diễn đàn và mạng xã hội, có thể nhận thấy nhan nhản các hội nhóm, “room” chat được lập với mục đích chính thảo luận hay chào mời về copytrade (sao chép giao dịch) – một thuật ngữ trong chứng khoán, được hiểu nôm na là công cụ giúp nhà đầu tư này sao chép danh mục nhà đầu tư khác.
Trong đó, nhiều “top trader” quảng cáo “chắc thắng”, thậm chí cam kết sinh lời 30 – 35%…
Vỡ mộng sao chép tài khoản “siêu trader”
“Yên tâm đi ngủ, ngày nào anh chị cũng lãi đều đặn 1 – 3%” – một môi giới chứng khoán khẳng định chắc nịch khi người viết hỏi về dịch vụ copytrade.
Tay môi giới này liệt kê thêm hàng loạt ưu điểm để thu hút khách hàng như không mất công sức tự nghiên cứu, có thể tận dụng chiến lược của các nhà đầu tư giỏi và thành công cùng hiệu suất vượt trội.
Liên hệ một công ty chứng khoán có triển khai sản phẩm copytrade, một tư vấn viên hướng dẫn cách thức cụ thể để tham gia.
Theo đó, khách hàng có thể bấm sao chép theo tài khoản leader. Khi tài khoản leader khớp lệnh, tài khoản copier sẽ sinh lệnh theo điều kiện đã đặt ra. Khách hàng chỉ cần theo dõi lệnh chứ không cần tự đặt lệnh.
Trên trang cá nhân, giám đốc một công ty chứng khoán ở Hà Nội từng cho biết công ty này đã triển khai copytrade.
“Với sản phẩm này, các khách hàng sẽ có thể copy danh mục và lệnh y hệt của những nhà đầu tư giỏi nhất. Sau khi mua, quý vị không phải theo dõi thị trường, bắt đáy là việc chúng tôi làm cho quý vị”, vị này quảng cáo.
Công ty này quy định mức tài sản ròng (NAV) tối thiểu cho phép khách hàng tham gia. Ngoài phí ủy thác khoảng 2%/năm trên tổng tài sản, các copier còn phải trả cả phí thưởng cho bên nhận ủy thác.
Về lý thuyết, cách thức đầu tư này quá ưu việt vì chỉ cần bỏ vốn, không cần tốn công vẫn nhận lãi về với tỉ suất tương đương những nhà đầu tư chứng khoán sành sõi.
Tuy nhiên, thực tế không dễ dàng như vậy. Một nhà đầu tư F0 chứng khoán ở Hà Nội cho biết tài khoản vẫn đang âm nặng sau khi thử vận may với copytrade.
Nhiều nhà đầu tư khác cho biết giao dịch với tần suất liên tục nên gánh nhiều phí, tổng tài sản hao hụt đáng kể. Và khi VN-Index liên tục điều chỉnh vừa qua, “chất lượng” các “cao thủ chứng khoán” có nhiều copier cũng gây tranh cãi.
Điển hình là một “top leader” nổi tiếng và đi đầu trên thị trường về copytrade với hơn 1.000 tài khoản sao chép cùng NAV hàng trăm tỉ đồng đã nhận rất nhiều chỉ trích khi hiệu suất đầu tư bị âm tới 15%.
Số lượng các tài sản khoản và tổng tài sản ủy thác theo đó cũng giảm dần, còn hơn 20 tỉ đồng. Sau một thời gian liên tục “show” danh mục, vị này không còn công khai nữa.
Khó tránh rủi ro nếu đầu cơ ngắn hạn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thực tế, một số tài khoản leader được quảng bá có hiệu suất sinh lời lên gần 35%/năm, nhưng thời điểm lại trùng với giai đoạn thị trường bùng nổ thời kỳ dịch bệnh, xác suất thành công đầu tư cao.
Theo giám đốc một quỹ ngoại ở VN, copytrade là hình thức mới xuất hiện ở VN vài năm gần đây, nhưng đã có mặt từ lâu trên thế giới.
Không chỉ ở thị trường cổ phiếu mà trên nhiều loại hàng hóa khác nhau cũng sử dụng cách thức này…
Nhiều môi giới khi quảng cáo thường “chắc như đinh” về hiệu suất đầu tư, nhưng thị trường chứng khoán vốn khó đoán và biến động, bất kỳ ai cũng có thể thua lỗ.
“Nếu chắc thắng đã không gọi là thị trường. Khi quảng cáo thì rất hay, khi thua lỗ, các bên lại đổ cho thị trường khó đoán hoặc nhiều cái cớ khác”, vị này nói.
Ông Bùi Văn Huy – giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC – cho biết một số công ty chứng khoán cũng như nhiều tổ chức đã mở hình thức copytrade.
Hình thức này tương tự như ủy thác quản lý tài khoản, mà ủy thác thì điều quan trọng nhất là hiệu quả của chiến lược được áp dụng.
“Copytrade là chiến lược được áp dụng đại trà trên tất cả các tài khoản copy. Do đó rủi ro lớn nhất và đương nhiên chiến lược của người được sao chép có nhất quán và hiệu quả hay không? Cái hay của hình thức này là lan tỏa nhanh.
Còn cái không hay là nếu làm không đúng cách thì mất niềm tin cũng rất nhanh”, ông Huy nói.
Ông Đỗ Bảo Ngọc – phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết – cho rằng chứng khoán về bản chất là cuộc chơi rủi ro nếu đầu cơ. Nếu các tài khoản leader mà đầu cơ ngắn hạn, khó tránh được rủi ro những lúc thị trường đi xuống.
Trên thị trường, có rất nhiều tài khoản cho phép copytrade, nhưng để tìm ra được người có hiệu suất lợi nhuận tốt và an toàn là điều không hề dễ.
Ngay cả khi chọn được tài khoản uy tín, sẽ không có một đảm bảo nào về việc không thua lỗ – ông Ngọc lưu ý khi nhà đầu tư quyết định lựa chọn công cụ này.
Ông Nguyễn Duy Hưng – chủ tịch Chứng khoán SSI – cũng từng nêu quan điểm về copytrade trước đại hội cổ đông năm nay rằng nhà đầu tư có thể được hỗ trợ từ “trí tuệ bằng cơm” (nhân viên tư vấn) và “trí tuệ bằng điện” (máy móc, AI).
“Mọi người bây giờ nói về copytrade, nhưng ai là người tạo ra bản chính để copy? Không có ai đưa ra một danh mục 100% thắng, cứ copy là thắng. Nếu mọi người đổ xô mua theo một danh mục thì lúc đổ xô bán chắc chắn sẽ lại thua”, ông Hưng khuyến cáo.
Coi chừng “lùa gà”, làm giá cổ phiếu
VN-Index liên tiếp điều chỉnh trong quý 2 và gần hết tháng 7, thị trường vẫn chưa trở lại xu hướng tăng giá. Trong bối cảnh này, việc duy trì một danh mục hiệu quả cực kỳ khó khăn với bất kỳ ai, kể cả chuyên gia thành thạo.
Chủ tịch một công ty chứng khoán thừa nhận đã bị âm tài khoản cá nhân gần 20%. “Thị trường là vậy, đầu tư có thắng có thua, ai quảng cáo copy chuyên gia chứng khoán chắc chắn lãi là lùa gà”, vị này nói.
Cũng theo vị này, bản chất copytrade là một hình thức tương tự như ủy thác quản lý tài khoản nhưng tồn tại lớp vỏ công nghệ. Ủy thác đầu tư kiểu truyền thống hay copytrade đều hướng tới mục tiêu làm sao quản lý danh mục tốt và có lợi cho khách hàng.
“Tuy nhiên , mỗi công ty dựa vào đánh giá rủi ro sẽ lựa chọn cách nhận ủy thác truyền thống hay đổi mới với copytrade”, vị này nói.
Ngoài ra với các room chat, nhóm kín, nhóm công khai trên mạng đua nhau chào mời mà độ uy tín chưa được kiểm chứng, nhiều chuyên gia lo ngại sẽ xảy ra biến tướng từ copytrade như hô hào, vài lệnh đầu thì lãi, chờ đông người tham gia dần chuyển sang lỗ…
Do đó, khi lựa chọn sao chép đầu tư, nhà đầu tư nên xem kỹ danh sách “top leader” và mô hình giao dịch, cũng như uy tín trong lĩnh vực chuyên môn của “top leader”.
“Nhà đầu tư cũng cần xác định về khả năng thua lỗ để có phương án phân bổ tài sản phù hợp, thay vì tin tưởng “chắc thắng” như những lời quảng cáo”, một chuyên gia khuyến cáo.
Một rủi ro khác cũng cần được tính đến là khả năng làm giá cổ phiếu thông qua copytrade. Bởi một tài khoản có thể được hàng nghìn tài khoản khác (thậm chí nhiều hơn) sao chép lệnh, một lệnh mua vào tỉ trọng lớn từ tài khoản mẫu sẽ ngay lập tức có hàng trăm lệnh theo sau với tổng giá trị cả trăm tỉ đồng.
“Nếu nhiều nhà đầu tư cùng copy theo một danh mục, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến cung – cầu của một cổ phiếu nào đó nếu quy mô của các tài khoản quá lớn so với thanh khoản của cổ phiếu” – ông Huy nói và cho rằng để công cụ copytrade được hiệu quả, cần phải đến từ hai phía.
Trong đó, người tạo lập chiến lược cần có thời gian theo dõi hiệu quả đủ dài, đủ minh bạch thông tin, tránh tình trạng nhiều tài khoản leader lỗ xong lấy tài khoản khác rồi lập mới. Ngoài ra, các chiến lược cần được mô tả đủ minh bạch để nhà đầu tư nắm bắt, đủ để người copy hiểu mình đang copy cái gì.
“Các copier cũng cần nghiên cứu cẩn trọng chiến lược, tính bền vững lợi nhuận của chiến lược đó. Tránh việc copy chỉ vì tin vào uy tín của một cá nhân hay tổ chức nào đó”, ông Huy khuyến cáo.
Dịch vụ tự phát, nhiều rủi ro
Với copytrade, những người được lựa chọn để người khác sao chép thường gọi là “tài khoản leader”, “top leader”, “pro trader/master” hay “cao thủ chứng trường”…
Mục tiêu cuối cùng để người sao chép (copier) hưởng lợi nhuận mà không cần tốn sức nghiên cứu thị trường, lãi hay lỗ phụ thuộc vào hiệu quả các tài khoản được sao chép.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bản chất copytrade là một hình thức ủy thác quản lý tài khoản đã được quy định.
Ở nhiều công ty chứng khoán không đưa ra các sản phẩm với tên gọi “copy” nhưng vẫn triển khai hình thức ủy thác để hướng tới khách hàng bận rộn, không có thời gian đầu tư trên thị trường chứng khoán hay không có kinh nghiệm…
Ngoài ra, tại thị trường Việt Nam, copytrade vẫn còn gây tranh cãi vì nhiều ý kiến cho rằng đây là dịch vụ tự phát, chưa được pháp luật quy định.
Dẫn dụ đầu tư chứng khoán quốc tế
Copytrade là cách thức đầu tư thụ động, bản chất vẫn là quản lý tài sản dưới sự hỗ trợ của công nghệ và tạo ra một hình thức mới mẻ, thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà đầu tư cũng cần lưu ý để tránh sập bẫy đối tượng lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo… dưới hình thức copytrade.
Trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội, không thiếu các tài khoản quảng cáo chỉ cần bỏ vốn trong thời gian ngắn có thể thu về lợi nhuận gấp nhiều lần mà không cần tư duy, tốn công sức khi sao chép lại danh mục các “master”, “siêu trader”… Tuy nhiên, khá nhiều tài khoản trong số này chào mời đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo…
Khác với cách lừa đảo “truyền thống”, các đối tượng này sẽ hướng dẫn nhà đầu tư “copy” theo danh mục của các nhà đầu tư “siêu giỏi”, lợi nhuận sẽ được chia 7 – 3, tức nhà đầu tư “không cần làm gì”, chỉ cần bỏ vốn thôi nhưng nhận về 70% lợi nhuận, 30% còn lại là phí “trả công”.
Để tránh bị lừa đảo, cơ quan chức năng nhiều lần khuyến nghị người dân cần giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và đơn vị giao dịch có uy tín và được xác thực…