5 ngày, hơn 60 trận động đất ở Kon Tum

5 ngày, hơn 60 trận động đất ở Kon Plông, tần suất ngày càng dày đặc – Ảnh: TẤN LỰC

Theo thông báo tin động đất từ Viện Vật lý địa cầu, trong ngày 31-7 tại huyện Kon Plông, Kon Tum đã xảy ra 13 trận động đất lớn nhỏ, có độ lớn từ 2.6 đến 3.4.

Hầu hết những trận động đất này ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Đáng chú ý, lúc 4h12 sáng nay, ở huyện Kon Plông lại xuất hiện thêm một trận động đất có độ lớn 3.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.912 độ vĩ Bắc, 108.239 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km.

Theo thống kê, bắt đầu từ ngày 28-7 xảy ra trận động đất mạnh nhất ở huyện Kon Plông có độ lớn 5 độ, chỉ chưa đầy năm ngày đã có hơn 60 trận động đất lớn nhỏ. 

Nhiều nhất vào các ngày 28-7 là 21 trận, ngày 29-7 là 25 trận. Đặc biệt trận động đất mạnh 5 độ ngày 28-7 đã gây rung lắc dữ dội không chỉ ở Kon Tum, mà lan ra các tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên.

Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, lý giải về việc động đất xảy ra dồn dập tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) trong hai ngày 28 và 29-7, ông Nguyễn Xuân Anh, viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết thông thường sau các trận động đất lớn thì sẽ có những trận động đất có cường độ nhỏ hơn kèm theo.

Người dân vùng tâm chấn động đất lo lắng - Ảnh: TẤN LỰC

Người dân vùng tâm chấn động đất lo lắng – Ảnh: TẤN LỰC

Hiện tượng này kéo dài trong vài ngày, sau đó sẽ giảm dần. Sau đó tích tụ một thời gian (thời kỳ yên tĩnh) thì lại xảy ra những trận động đất liên tiếp như vậy. Do vậy, dự báo thời gian tới động đất ở Kon Tum sẽ tiếp tục xảy ra.

Theo ông Anh, các trận động đất xảy ra tại Kon Tum vừa qua vẫn là động đất kích thích. Động đất xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới.

Khẩn trương khắc phục hậu quả sau động đất

Trước đó, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký ban hành công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông.

Thủ tướng giao Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng.

Huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng, người dân để phục vụ công tác truyền thông và chỉ đạo ứng phó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây hoang mang, bất ổn trong nhân dân…

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *