Ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, khẳng định như vậy tại tọa đàm Vận hội mới của thị trường bất động sản, do báo Nông Thôn Ngày Nay và Dân Việt tổ chức ngày 1-8 tại Hà Nội, đúng thời điểm ba luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực.
Bong bóng chung cư sẽ xẹp
Theo ông Đính, giá chung cư tăng nhưng giao dịch thực không nhiều. Điều này có thể do một nhóm đầu cơ không trong sáng đẩy giá.
“Nguyên nhân giá chung cư Hà Nội tăng bất thường một phần do khan hiếm nguồn cung nghiêm trọng, không có dự án mới, chỉ có những dự án cũ triển khai.
Vừa yếu nguồn cung, vừa kém chất chất lượng, nhu cầu nhà ở bình dân lớn nhưng nguồn cung thị trường không có. Ngay cả nhu cầu đầu tư bất động sản cũng không được đáp ứng do thiếu nguồn cung”, ông Đính cho biết thêm.
Ông hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều dự án được tháo gỡ, nguồn cung thị trường sẽ nhiều hơn, đa dạng hơn. Từ đó giảm chênh lệch cung cầu, giảm áp lực tăng giá trên thị trường.
Dự báo về giá chung cư Hà Nội thời gian tới, ông Đính cho biết thị trường Hà Nội từ nay đến cuối năm có nhiều dự án chung cư mới xuất hiện, sẽ có thêm vài ngàn sản phẩm từ các dự án mới.
Còn về giá bán, khu vực nào thời gian qua xuất hiện bong bóng chắc chắn sẽ xẹp, giá giảm. Nhưng xu hướng chung thì giá chung cư sẽ không tụt xuống, khi các yếu tố đầu vào của thị trường như giá đất, tiền đền bù giải phóng mặt bằng tăng.
Bên cạnh đó, việc cấp phép dự án cũng không dễ như trước nữa. Chỉ các chủ đầu tư đủ năng lực mới có thể làm dự án. Khi cung – cầu dần cân bằng, giá chung cư sẽ do cung – cầu quyết định.
Bộ ba luật có hiệu lực, địa phương sẽ không còn sợ sai?
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đưa ra nhận định, với những quy định pháp lý rõ ràng của bộ ba luật vừa có hiệu lực, vướng mắc của hàng trăm dự án bất động sản sẽ được tháo gỡ. Cán bộ địa phương sẽ không còn sợ sai khi thực hiện thủ tục gỡ vướng cho từng dự án.
Theo ông Đào Trung Chính, cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và môi trường, cho rằng việc thông qua sớm 3 luật (Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản) sẽ giải quyết hàng loạt vướng mắc, trong đó có vướng mắc về định giá đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai.
Ông Chính chia sẻ, kể từ khi ban hành Luật đất đai 2003 có dự án vướng mắc kéo 20 năm chưa giải quyết, đến khi ban hành Luật đất đai 2013 thì nhiều địa phương vướng vì không định giá đất được. Nhiều cán bộ địa phương sợ sai không dám làm, Luật đất đai 2024 vừa có hiệu lực sẽ giải quyết được những vấn đề này.
Ông Lê Văn Bình, phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và môi trường, lại cho rằng cần làm rõ vướng mắc của các dự án bất động sản hiện nay là do cơ chế chính sách pháp luật làm cho dự án không thực hiện được, hay do quá trình thực hiện không làm đúng quy định.
“Tôi cho rằng vướng mắc ở vế thứ 2 nhiều hơn. Nếu làm tuần tự, đúng quy định thì phải có dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, tiến hành giao đất. Sau khi ra quyết định giao đất thì phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính mới được giao đất trên thực địa, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, rồi mới xây dựng dự án.
Nhưng nhiều dự án thời gian qua không thực hiện theo tuần tự các bước, vừa có quyết định giao đất đã mang dự án đi thế chấp, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đất đai đã xây dựng, đã bán rồi. Đó là do làm chưa đúng”, ông Bình nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Hùng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cũng nhấn mạnh cần làm rõ vướng mắc của nhiều dự án hiện nay có phải do cơ chế không, hay do thực hiện không đúng quy trình, thủ tục. Vướng quy trình thủ tục không sửa được vì không đúng quy định pháp luật.
Ông Hùng cũng thừa nhận thời gian qua có những khó khăn do lỗi từ chính doanh nghiệp, cơ chế, và cả từ các ngân hàng cho dự án vay khi đủ pháp lý, dẫn tới một khối tài sản lớn tồn đọng.