Vietnam Airlines có lãi dù hàng không vẫn gặp nhiều khó khăn
Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất hơn 53.126 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 5.674 tỉ đồng.
Trong đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là gần 1.143 tỉ đồng, và lợi nhuận khác là hơn 4.531 tỉ đồng. Mức lợi nhuận này cũng có sự đóng góp rất lớn từ việc Pacific Airlines được các đối tác xóa nợ.
Về kết quả khai thác, trong 6 tháng đầu năm 2024, Vietnam Airlines đã vận chuyển gần 11,5 triệu lượt hành khách và 143.000 tấn hàng hóa, tăng lần lượt 10% và 42,1% so với cùng kỳ 2023.
Có thể nói đây là kết quả tương đối khả quan trong bối cảnh hãng hàng không quốc gia đang phải đối mặt với khó khăn từ giá nhiên liệu cao, biến động tỉ giá bất lợi, tính mùa vụ thấp điểm vào quý 2 hằng năm và tình trạng thiếu hụt máy bay do nhà sản xuất Pratt & Whitney triệu hồi động cơ trên toàn cầu.
Giá nhiên liệu vẫn đang ở mức cao, bình quân 102,14 USD/thùng, tăng 30,3% so với năm 2019, khiến chi phí của Vietnam Airlines phát sinh thêm gần 2.500 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2024.
Tỉ giá VND/USD ở mức 24.856 đồng, tăng 7% so với năm 2019 khiến chi phí của hãng trong 6 tháng đầu năm tăng 724 tỉ đồng. Đồng thời, tỉ giá đồng yen Nhật giảm sâu cũng gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng doanh thu cho Vietnam Airlines ở thị trường trọng điểm này.
Ngoài ra, tình trạng thiếu máy bay trầm trọng đã tác động lớn đến doanh thu, lợi nhuận của Vietnam Airlines. Trước đại dịch, ngành hàng không Việt Nam có 230 máy bay, nhưng hiện nay chỉ còn 160 máy bay, giảm 32% nguồn lực do ảnh hưởng từ sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc thiếu hụt máy bay toàn cầu làm tăng giá thuê máy bay, tăng chi phí bảo dưỡng, vật tư phụ tùng máy bay và kéo dài thời gian máy bay nằm đất gây thiệt hại doanh thu.
Tận dụng đà tăng của thị trường, nâng chất lượng dịch vụ để thu hút khách
Dù vậy, Vietnam Airlines đã tận dụng tốt đà tăng trưởng của thị trường hàng không quốc tế để nhanh chóng phục hồi và phát triển khi tổng thị trường khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm đạt gần 20 triệu lượt khách, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng hành khách quốc tế phục hồi gần bằng mức trước dịch COVD-19.
Nắm bắt thời cơ, Vietnam Airlines đã mở thêm các đường bay mới đến Manila (Philippines), Thành Đô (Trung Quốc) và khai thác máy bay thân rộng trên các đường bay đến Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore…
Đối với thị trường nội địa, Vietnam Airlines tăng các chuyến bay đêm và triển khai ưu đãi liên kết hàng không – du lịch giúp kích thích mạnh mẽ nhu cầu du lịch trong nước.
Một yếu tố quan trọng khác giúp doanh thu Vietnam Airlines tăng trưởng là việc hãng đã đẩy mạnh thu hút khách có khả năng chi trả cao thông qua nâng cấp chất lượng dịch vụ và tăng cường chuyển đổi số.
Cụ thể, Vietnam Airlines tiếp tục chiến lược nâng tầm dịch vụ với các cải tiến từ mặt đất đến trên không, như nâng cấp chất lượng dịch vụ phòng chờ thương gia, triển khai phương thức đưa khách ra cửa tàu bay mới, đổi mới thực đơn trên không, áp dụng hệ thống giải trí không dây Airfi trên toàn bộ đội máy bay Airbus A321, đa dạng hóa các chương trình giải trí…
Trong lĩnh vực tái cơ cấu, Vietnam Airlines thành công khi đạt thỏa thuận xóa nợ 4.665 tỉ đồng đối với Pacific Airlines, góp phần đáng kể vào lợi nhuận hợp nhất của tổng công ty. Bên cạnh đó, công tác đàm phán gián hoãn thanh toán, cắt giảm chi phí và sử dụng linh hoạt hạn mức tín dụng được thực hiện quyết liệt đã giúp giảm áp lực dòng tiền.
Không chỉ đảm bảo hiệu quả kinh doanh, Vietnam Airlines tiếp tục phát huy vai trò của Hãng hàng không quốc gia kết nối Việt Nam với thế giới và giữa các vùng miền trên cả nước, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hãng đặc biệt chú trọng trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững thông qua nhiều hoạt động chăm sóc cộng đồng, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và lan tỏa giá trị nhân văn.
Bên cạnh đó, bằng việc đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động quảng bá và xúc tiến hàng không – du lịch, Vietnam Airlines đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Vietnam Airlines kỳ vọng đạt mục tiêu có lãi trong năm 2024
Trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh một số yếu tố thuận lợi như đà phục hồi của thị trường quốc tế, Vietnam Airlines đánh giá môi trường kinh doanh vẫn sẽ phải đối mặt với các vấn đề đã và đang tồn tại như: giá nhiên liệu ở mức cao, biến động tỉ giá bất lợi, giá thuê máy bay tăng mạnh và nguồn lực máy bay trong nước suy giảm.
Ngoài ra, có thể xuất hiện các diễn biến mới như: kết quả bầu cử ở một số quốc gia tác động đến các mối quan hệ và sự phát triển của thế giới; xung đột lan rộng ở châu Âu và Trung Đông; cạnh tranh ở thị trường quốc tế gia tăng nhanh chóng khi các hãng hàng không quốc tế tăng cường hoạt động khai thác đến Việt Nam…
Để vượt qua khó khăn và hoàn thành các mục tiêu, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục nâng cấp chất lượng dịch vụ, tập trung triển khai hiệu quả công tác điều hành, chuẩn bị tốt nguồn lực trong tương lai và giữ vững an toàn trong khai thác. Đồng thời, hãng tập trung quản trị, kiểm soát chi phí trong tất cả các lĩnh vực, cũng như có các phương án xây dựng và kiểm soát kế hoạch dòng tiền.
Hãng đặc biệt chú trọng triển khai đề án tái cơ cấu với các giải pháp toàn diện về tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, danh mục đầu tư, tổ chức bộ máy và đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Vietnam Airlines kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu có lãi trong năm 2024 như kế hoạch tại đại hội đồng cổ đông đã thông qua.