Ngày 31-7, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thông báo thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh đã bị ám sát khi đang có mặt tại thủ đô Tehran để dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian vào ngày 30-7.
Trong ngắn hạn, cái chết của thủ lĩnh Haniyeh dấy lên lo ngại về một cuộc trả đũa quy mô lớn của Iran nhằm vào Israel. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá tác động lâu dài của vụ ám sát đến Hamas và xung đột ở Dải Gaza sẽ tương đối hạn chế hơn.
Tình báo Israel nhiều lần ám sát lãnh đạo Hamas
Cơ quan tình báo Israel đã nhiều lần truy vết và tiêu diệt các thủ lĩnh của nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas nhiều nơi trên khắp Trung Đông kể từ khi lực lượng này thành lập vào năm 1987.
Theo lẽ thường, việc tiêu diệt các chỉ huy cao cấp sẽ làm nhóm Hồi giáo này ngày càng suy yếu. Tuy nhiên những nỗ lực của Israel từ trước đến nay dường như không để lại tổn thất quá to lớn với Hamas.
“Tất cả những nỗ lực ám sát của Israel đều rất ngoạn mục, rất ấn tượng. Nhưng chúng chả có ý nghĩa gì nếu không có một chiến lược chính trị đằng sau” – bà Micky Aharonson, cựu quan chức tại Hội đồng An ninh quốc gia Israel, đánh giá.
Năm 1996, Israel thực hiện vụ ám sát đầu tiên nhằm vào lãnh đạo cấp cao Hamas Yahya Ayyash – một trong những nhân vật tiên phong trong các chiến dịch đánh bom cảm tử của nhóm này – bằng một quả bom gắn vào chiếc điện thoại mà ông ta sử dụng.
Năm 1997, các điệp viên Israel cố tiêu diệt lãnh đạo cấp cao khác của nhóm Hamas là Khaled Meshaal bằng cách tiêm chất độc vào tai ông trên một con phố tại Jordan. Tuy nhiên, vụ ám sát không thành công khi ông Meshaal hồi phục sau đó và tiếp tục nhiệm vụ lãnh đạo Hamas.
Những năm tiếp theo, Israel đã tiêu diệt nhiều lãnh đạo khác của Hamas. Tháng 3-2004, lãnh đạo kiêm nhà sáng lập tổ chức Hamas Ahmed Yassin bị ám sát bằng tên lửa ở Gaza. Một tháng sau, người kế nhiệm của ông là Abdel-Aziz al-Rantis bị sát hại trong một đợt không kích tại Gaza.
Chưa đủ để ‘lật đổ’ Hamas
Giới quan sát quốc tế không phủ nhận cái chết của các lãnh đạo cao cấp là một tổn thất đau đớn đối với Hamas. Tuy nhiên điều này không khiến tổ chức này sụp đổ, mà ngược lại góp phần trao quyền lãnh đạo cho thế hệ mới, trong đó có lãnh đạo Ismail Haniyeh, người gánh vác nhiều trọng trách quan trọng của Hamas trong hai thập kỷ tiếp theo.
Ông Michael Milshtein – cựu sĩ quan tình báo của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) – cho biết chiến lược nhắm vào các lãnh đạo Hamas là cách thức nhằm làm suy yếu khả năng tấn công của nhóm chiến binh này. Tuy nhiên tác động lâu dài của chúng khá hạn chế.
Các nhà phân tích quốc tế cho rằng nếu cái chết của các thế hệ lãnh đạo trước ít nhiều ảnh hưởng đến nhuệ khí và năng lực quân sự của Hamas thì cái chết của nhà lãnh đạo Haniyeh có thể sẽ không tạo ra những tác động to lớn cho cuộc chiến ở Dải Gaza.
Lý do nhận định trên xuất phát từ việc ông Haniyeh chỉ là một nhà lãnh đạo chính trị và không tham gia nhiều vào các hoạt động quân sự của nhóm vũ trang Hamas.
Thêm vào đó, ông Yaakov Amidror – cựu cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu – cho biết vụ ám sát ông Haniyeh chỉ là hành động mang tính “biểu tượng”.
Tuy nhiên, giới chức Israel cho biết vụ ám sát ít nhất sẽ gây khó khăn cho Mỹ trong nỗ lực trở thành trung gian hòa giải để đạt được các thỏa thuận ngừng bắn và thả tự do cho các con tin giữa Hamas và Israel.