Hãng hàng không của New Zealand từ bỏ do nguồn cung nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) quá nghèo nàn. SAF là loại nhiên liệu sinh học được dùng trong ngành hàng không.
Chông gai mục tiêu 2050
Loại nhiên liệu này có đặc tính giống với nhiên liệu máy bay thông thường nhưng phát thải carbon ít hơn đáng kể. Tùy theo công nghệ và nguyên liệu dùng để tinh chế, SAF có thể giúp giảm đến 80% lượng khí thải nhà kính trong suốt vòng đời của nhiên liệu, cũng như giảm các loại khí thải độc hại khác như SO2, bụi mịn…
Trong phiên họp đại hội đồng thường niên lần thứ 77, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ra nghị quyết kêu gọi ngành vận tải hàng không toàn cầu sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050. Để làm được điều này, IATA đặt mục tiêu SAF chiếm 65% lượng tiêu thụ nhiên liệu toàn ngành vào thời điểm trên.
Từ đó đến nay, mục tiêu 2050 đã trở thành “kim chỉ nam” cho quá trình “xanh hóa” của các hãng hàng không toàn cầu. Năm 2022, Hãng hàng không Air New Zealand đặt chỉ tiêu sẽ cắt giảm lượng phát thải khí thải đến 29% vào năm 2030, cao hơn nhiều so với mục tiêu của mặt bằng chung ngành.
Tuy nhiên ngày 30-7, hãng này lại bất ngờ tuyên bố từ bỏ mục tiêu trên, trở thành hãng hàng không lớn đầu tiên làm vậy, theo Đài BBC. Hãng này lý giải quyết định trên đến từ khó khăn tài chính do việc thiếu hụt nguồn cung máy bay toàn cầu, cũng như nguồn cung nghèo nàn SAF.
Giám đốc điều hành Air New Zealand Greg Foran thông báo: “Trong vài tháng qua, đặc biệt là vài tuần qua, mọi việc đã rõ ràng rằng khả năng kế hoạch làm mới đội bay của chúng tôi bị trì hoãn khiến khả năng đạt được mục tiêu trên bị đe dọa”.
Điều này phản ánh rõ ràng thế khó mà hàng không thế giới đang gặp phải. Một mặt, việc Boeing bị cơ quan quản lý Mỹ giới hạn số máy bay có thể sản xuất sau loạt sự cố kỹ thuật liên tục hồi đầu năm và những khó khăn về chuỗi cung ứng Airbus gặp phải đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng máy bay mới, ảnh hưởng trực tiếp kế hoạch mở rộng hoạt động của các hãng bay.
Mặt khác, việc công nghệ và các dây chuyền sản xuất SAF chưa phát triển đầy đủ, khả năng sản xuất còn nhỏ giọt cũng khiến các hãng dù rất muốn cũng không thể tiếp cận loại nhiên liệu này. Chuyên viên làm việc tại công ty phân tích dữ liệu hàng không Ellis Taylor cho biết: “Giá SAF cao hơn nhiên liệu truyền thống rất nhiều, và hiện các bên không có đủ nguồn lực để sản xuất chúng quy mô lớn”.
Nhộn nhịp hàng không bền vững
Bất chấp việc từ bỏ kế hoạch 2030, Air New Zealand vẫn cam kết cùng toàn ngành hàng không hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050. Thực tế, việc hãng này từ bỏ kế hoạch trên một phần cũng đến từ việc không biết “liệu cơm gắp mắm”.
Mục tiêu giảm đến 29% có thể xem là đầy tham vọng, song cũng khá phi thực tế khi lộ trình của IATA chỉ dám hướng đến việc giảm 5% phát thải carbon trước năm 2030 nhờ sử dụng SAF.
Trái với thông tin có phần ảm đạm của Air New Zealand, “sân chơi” SAF của phần còn lại của ngành hàng không lại rất sôi động trong vài ngày qua. Ngày 1-8, trang tin chuyên hàng không International Airport Review cho biết United Airlines của Mỹ trở thành hãng đầu tiên sử dụng SAF cho các máy bay tại sân bay quốc tế O’Hare (ORD) ở thành phố Chicago, bang Illinois.
Nhà sản xuất SAF đầu ngành Neste sẽ cung cấp đến 3,78 triệu lít SAF cho United Airlines tại ORD trong những tháng còn lại của năm 2024. Với ORD, United Airlines nâng số sân bay lớn ở Mỹ sử dụng SAF lên 5, củng cố vị thế tiên phong của hãng này đối với việc dùng SAF ở xứ cờ hoa.
Cùng ngày 1-8, Hãng hàng không JetBlue cũng công bố thỏa thuận cung cấp SAF với nhà cung cấp World Fuel Services. Theo thỏa thuận ban đầu có kỳ hạn 12 tháng, JetBlue sẽ nhận ít nhất 3,78 triệu lít SAF. Ngoài ra, hãng này còn có thể kích hoạt điều khoản mua thêm 15,14 triệu lít nhiên liệu bền vững.
Ngày 2-8, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing công bố hợp tác với công ty đầu tư Clear Sky trong việc thúc đẩy các giải pháp bền vững cho ngành hàng không. Bước đầu, hai công ty này sẽ giúp Công ty Firefly Green Fuels hoàn thiện công nghệ tăng năng suất SAF tối tân của mình ở Anh.
Hôm 24-7, Airbus – đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Boeing – cũng công bố đầu tư vào LanzaJet – công ty sản xuất tiên phong trong lĩnh vực SAF.
Chuyển động ở Việt Nam
Hàng không Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế “xanh hóa” của thế giới, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26).
Ngày 3-12 năm ngoái, Vietjet và Novus Aviation Capital ký kết thỏa thuận thành lập liên doanh tài chính tàu bay và hợp tác cung cấp nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) tại Việt Nam, thông qua công ty con SAF One. Theo đó, Vietjet sẽ cùng SAF One phát triển, cung cấp và sử dụng SAF tại Việt Nam.
Theo báo điện tử Chính Phủ, ngày 27-5 vừa qua, Vietnam Airlines thực hiện thành công chuyến bay số hiệu VN665 từ Singapore đến Hà Nội sử dụng SAF. Qua đó, hãng hàng không quốc gia trở thành hãng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam sử dụng SAF cho chuyến bay chở khách thương mại.