Theo đó, Công an TP.HCM phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an và các đơn vị sở, ngành TP tổ chức chương trình cấp căn cước cho những người được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh.
Chương trình sẽ cấp thẻ căn cước cho 117 trường hợp bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tại đây.
Vui mừng vì được cấp căn cước, ông Vương Tấn Tài (71 tuổi) gửi lời cảm ơn đến các cán bộ, chiến sĩ công an nhiệt tình hỗ trợ, đến tận nơi cấp căn cước cho những người có hoàn cảnh đặc biệt như ông.
Ông Tài cho biết do cuộc sống khó khăn nên trước đây ông sống lan thang, sau đó được đưa vào trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng.
“Tuy bị mất một chân nhưng tôi sẽ không phụ thuộc vào người khác, tự lực cánh sinh, không muốn làm gánh nặng cho người khác, tôi sẽ tìm một việc gì đó phù hợp với bản thân để làm, đi bán vé số chẳng hạn.
Bây giờ có căn cước là mình có thông tin, hình ảnh rõ ràng nên tôi rất vui, giữ nó thật kỹ và xem đây là một kỷ niệm đẹp”, ông Tài bày tỏ.
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, công an các địa phương trong đó có TP.HCM đưa đề án 06 của Chính phủ gần hơn, thiết thực hơn với đời sống của nhân dân đặc biệt là người dân yếu thế.
Trong thời gian tới, Công an TP đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật căn cước, sẽ tiếp tục cùng các đơn vị có liên quan tổ chức cấp căn cước đối với các nhân khẩu đặc biệt đang cư trú tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ khác trên địa bàn TP.
Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay toàn thành phố đã cấp được gần 2.000 căn cước công dân/căn cước cho các trường hợp nhân khẩu đặc biệt.