Thị trường chứng khoán vừa mở cửa đã bao trùm sắc đỏ. Kết phiên sáng 5-8, VN-Index mất hơn 24 điểm, bán chủ động tăng vọt áp đảo dù chưa quá mạnh trong khi mua chủ động mất hút.
Song lực bán dâng lên mạnh mẽ hơn trong phiên chiều, toàn thị trường có gần 620 cổ phiếu giảm điểm và 130 mã “nằm sàn”. Trong khi chỉ có 117 cổ phiếu tăng giá.
Tính riêng sàn HoSE, có tới 448 cổ phiếu giảm giá, áp đảo gần như hoàn toàn với 24 mã còn giữ lại sắc xanh.
Rổ VN30 hôm nay hoàn toàn bị nhấn chìm trong sắc đỏ, bán chủ động áp đảo ở hầu hết các cổ phiếu. Thậm chí, GVR của của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam còn kịch sàn, mất gần 7% thị giá.
Top 10 cổ phiếu kéo giảm mạnh điểm số hôm nay gồm: BID, VCB, CTG, TCB, HPG, VIC, VHM, VPB, VNM, GVR.
Nếu theo nhóm ngành, hầu hết đều chịu áp lực điều chỉnh, trong đó giảm mạnh nhất là nhóm nguyên vật liệu (-5%), dịch vụ tài chính (-4,93%), hàng tiêu dùng (-4,24%), phần mềm (-3,91%), năng lượng (-3,67%)…
Các nhóm mang tính dẫn dắt thị trường hôm nay như ngân hàng, bất động sản… cũng lần lượt mất 3,57% và 3,54%.
Tổng giá trị giao dịch hôm nay đạt gần 26.500 tỉ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trở lại với gần 850 tỉ đồng.
Kết phiên, VN-Index “thủng” mốc 1.200 khi giảm gần 49 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4-2024 đến nay. Trong phiên giữa tháng 4, bán tháo còn khiến chứng khoán rơi gần 60 điểm.
Với biên độ điều chỉnh gần 4% chỉ trong một phiên hôm nay, vốn hóa HoSE đã giảm gần 200.000 tỉ đồng (gần 8 tỉ USD), về mốc hơn 4,87 triệu tỉ đồng.
Với nhà đầu tư chứng khoán bằng vốn tự có, chưa bán sẽ chưa lỗ. Nhưng với nhiều phiên điều chỉnh liên tiếp gần đây, hàng loạt nhà đầu tư dùng đòn bẩy margin sẽ chịu không ít thiệt hại khi cổ phiếu bị bán giải chấp.
Diễn biến thị trường chứng khoán trong nước hôm nay chịu nhiều tác động từ bối cảnh quốc tế. Ngày 5-8-2024 có thể sẽ đi vào lịch sử thị trường chứng khoán Nhật Bản như “một ngày đen tối” khi chỉ số Nikkei 225 sụt giảm hơn 4.451 điểm – tương đương hơn 14%.
Các thị trường khác cũng tiêu cực với biên độ giảm điểm lớn. Như thị trường Hàn Quốc, các chỉ số chính như Kosdaq hay Kospi mất gần 11%. Singapore cũng giảm trên 3%…
Câu hỏi đặt ra với giới đầu tư hiện nay, liệu đây có phải là dấu hiệu của một cuộc suy thoái hay chỉ là một cú sốc mang tính chất tạm thời?