Chế độ dinh dưỡng đa dạng và đầy đủ nhóm chất ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe sinh sản ở cả nam giới và phụ nữ.
Theo các bác sĩ, chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và đa dạng giúp cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe sinh sản của nam giới, nâng cao thể lực và duy trì sức khỏe toàn diện.
Quan trọng nhất, nam giới nên thiết lập chế độ ăn uống cân bằng thay vì chỉ tập trung vào từng loại thực phẩm.
Theo bác sĩ Nguyễn Công Minh – Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM), nam giới muốn cải thiện chất lượng tinh trùng nên tăng cường các loại thực phẩm dưới đây:
– Thực phẩm giàu axit folic: Axit folic (hay còn gọi là vitamin B9) là một trong những chất dinh dưỡng giúp sản xuất và duy trì tế bào mới, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phân chia tế bào.
Các chuyên gia nhận định chất này có đặc tính chống oxy hóa, giúp tinh trùng không bị bất thường về nhiễm sắc thể.
Nguồn thực phẩm chứa nhiều axit folic như bông cải xanh, măng tây; các loại trái cây cam quýt, chuối; đậu xanh, đậu lăng; thịt, trứng.
– Thực phẩm giàu kẽm: Hàm lượng kẽm thấp liên quan đến số lượng tinh trùng thấp và giảm nồng độ testosterone ở nam giới.
Các thực phẩm giàu kẽm gồm thịt bò, thịt gia cầm; hàu, tôm; các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, phô mai; các loại hạt như hạnh nhân, vừng,…
– Thực phẩm chứa nhiều vitamin C: Vitamin C có nhiều trong cam, bưởi, cà chua, dưa leo, ớt chuông đỏ… Bên cạnh khả năng tăng cường hệ miễn dịch, vitamin C còn cải thiện khả năng sinh sản ở nam giới, chống lại stress oxy hóa, giảm tỉ lệ vô sinh do liên quan căng thẳng oxy hóa ở nam giới.
– Thực phẩm chứa lycopene: Nam giới có thể bổ sung lycopene bằng cách bổ sung cà chua, ớt chuông đỏ và dưa hấu vào khẩu phần ăn hằng ngày. Chuyên gia khuyên nên nấu bằng nguồn nhiệt thấp giúp giữ lại lycopene trong thực phẩm.
– Vitamin B12: Có thể bổ sung vitamin B12 bằng cách bổ sung phô mai và sữa chua ít béo, thịt gà và lòng đỏ trứng vào thực đơn hằng ngày.
– Vitamin E: Vitamin E và các chất chống oxy hóa khác cần thiết cho sức khỏe tinh trùng, giúp cải thiện số lượng và khả năng vận động của tinh trùng. Thực phẩm giàu vitamin E như hạt hướng dương, ngũ cốc nguyên hạt, hạnh nhân, rau bina, cải xoăn, quả bơ…
– Vitamin D: Vitamin D liên quan đến những thay đổi về số lượng tinh trùng, chất lượng tinh trùng và nồng độ testosterone, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nam giới.
Có thể tăng cường vitamin D bằng cách sử dụng sữa và các sản phẩm khác làm từ sữa; ăn nhiều trứng, cá hồi, cá thu… tắm nắng sớm khoảng 15 phút.
– Coenzyme Q10: Coenzyme Q10 (còn được gọi là CoQ10) có nhiều trong các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, cá béo (cá hồi, cá thu) và nội tạng động vật.
Enzyme này đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất năng lượng, có khả năng chuyển hóa thức ăn thành năng lượng trong tế bào. Ngoài ra Coenzyme Q10 giúp cải thiện khả năng vận động của tinh trùng nam giới.
– L-arginine: Hợp chất L-arginine là axit amin thiết yếu trong cơ thể, liên quan đến khả năng cải thiện số lượng và khả năng vận động của tinh trùng. L-arginine được tìm thấy nhiều trong thực phẩm giàu protein như thịt heo, thịt bò, thịt gà, trứng, sữa, các loại đậu, hạt bí, chocolate…
– Axit béo omega 3: Axit béo omega-3 là chất béo thiết yếu có khả năng cải thiện chất lượng, số lượng và khả năng vận động của tinh trùng, đồng thời tăng cường khả năng sinh sản và sức khỏe của nam giới.
Omega 3 được tìm thấy trong các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi, cá kiếm, cá ngừ…) và các loại hạt (óc chó, hạt lanh, hạt chia…).
– Axit D-aspartic: Axit D-aspartic được tìm thấy trong tinh hoàn, tinh dịch và tế bào tinh trùng. Một số nghiên cứu cho thấy tăng cường axit D-aspartic giúp cơ thể sản xuất testosterone nhiều hơn, cải thiện khả năng di chuyển của tinh trùng, tối ưu tỉ lệ mang thai. Tiêu thụ các loại thực phẩm như thịt bò, hàu giúp tăng axit D-aspartic trong cơ thể.
Vì sao tinh dịch đồ bình thường nhưng vẫn có thể vô sinh?
Bác sĩ Nghiêm Trung Dũng, giám đốc Trung tâm thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tinh trùng là tế bào có sự biệt hóa cao độ với các thành phần: đầu, cổ, đuôi. Mỗi bộ phận sẽ thực hiện chức năng chuyên biệt cho sự thụ tinh.
Trong phần đầu của tinh trùng có chứa một bộ nhiễm sắc thể với các phân tử DNA có số lượng bằng một nửa so với tế bào có nhân khác của bố.
Trong quá trình tạo thành bộ nhiễm sắc thể với số lượng bằng một nửa đó có thể xảy ra các sai sót, cùng với sự tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài làm đứt gãy một mạch đơn hoặc cả hai mạch của phân tử DNA.
Tinh trùng mang các phân tử DNA lỗi này sẽ giảm khả năng thụ tinh, khi thụ tinh với trứng sẽ tạo ra phôi kém phát triển, thai dị tật bẩm sinh dễ sẩy thai.
Mẫu tinh dịch có các thông số tinh dịch đồ bình thường mà có chỉ số đứt gãy DNA tinh trùng cao vẫn có khả năng bị vô sinh, điều này càng tệ hơn nếu một mẫu tinh dịch đồ giảm số lượng và/hoặc chất lượng tinh trùng kết hợp với chỉ số đứt gãy DNA tinh trùng cao.
Việc điều trị cải thiện tình trạng đứt gãy DNA tinh trùng đã được chứng minh làm gia tăng tỉ lệ có thai tự nhiên, tăng tỉ lệ thành công nếu phải thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản (như bơm tinh trùng vào buồng tử cung – IUI, thụ tinh trong ống nghiệm – IVF, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn – ICSI …)
Ngày nay, để đánh giá khả năng sinh sản của nam giới, bên cạnh việc đánh giá tinh dịch đồ truyền thống, một số trường hợp cần thiết phải đánh giá thêm tình trạng đứt gãy DNA tinh trùng để có cái nhìn tổng thể về khả năng sinh sản của nam giới.
Việc đánh giá này rất cần thiết cho các nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao bị vô sinh liên quan đến tình trạng đứt gãy DNA tinh trùng: bệnh nhân giãn tĩnh mạch tinh, làm việc trong môi trường độc hại, tia xạ; bệnh nhân ung thư sau xạ trị, truyền hóa chất; bệnh nhân vô sinh mà không tìm được căn nguyên…