Sáng sớm, trên chiếc xe lăn bán vé số, anh Nguyễn Hoàng Bình (48 tuổi) từ phòng trọ len qua những con đường quen, rồi rẽ vào công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP.HCM).
Trên xe là túi ngũ cốc chừng 3kg, anh Bình dừng nơi góc công viên. Vừa thấy bóng dáng anh, đàn bồ câu, chim sẻ sà xuống chờ đợi.
Sợ đàn chim không đủ no, mỗi ngày cho ăn ba cữ
Những tia nắng đầu ngày tinh nghịch rọi qua những vòm cây lâu năm. Cảnh yên bình bày ra trước mắt: Đàn bồ câu ăn hạt bên ngoài, bên trong công viên người đi lại tập thể dục, nói cười.
Tất cả như một thế giới khác giữa lòng thành phố nhộn nhịp.
Vài du khách nước ngoài thích thú trước khung cảnh này. Họ nhanh chóng lấy điện thoại chụp lại, hào hứng: “Thật dễ thương! Mọi người tốt bụng quá!”.
Rải xong một đợt ngũ cốc, nhìn đàn chim, anh Bình cho biết anh bán vé số đã hơn 20 năm. Anh bắt đầu cho đàn bồ câu này ăn từ 7-8 năm nay.
Anh cười: “Ban đầu tôi thấy đàn chim sẻ tội nghiệp nên mua lúa cho chúng ăn. Dần dà đàn bồ câu sà xuống. Tôi chuyển qua mua ngũ cốc như lúa, bắp, đậu, cám viên vì chim thích ăn loại này hơn”.
Sợ đàn chim không đủ no, sáng anh ghé một đợt cho ăn xong thì ở đó bán vé số tới cỡ 9h.
Sau đó anh quẹo qua khu Trần Quốc Toản (quận 3) bán tiếp. Chừng 14h, đi lấy vé số để bán ngày mai, anh tạt vào cho ăn. Chiều muộn hơn, anh tấp vô thêm đợt nữa.
Anh vui vẻ nói: “Ngày nào tôi cũng cho bồ câu ăn ba cữ như vậy. Mình sửa soạn băng qua đường là tụi nó sà xuống công viên chờ sẵn”.
Đặc biệt, có vài chú bồ câu đen mượt, lông cổ ánh tim tím, dạn dĩ đậu xuống túi ngũ cốc trên xe anh, mổ “khí thế”. Những lúc như vậy, anh ngồi ngắm và nói “đó, nó bay vô đây luôn”.
Anh Bình hay ghé mua ngũ cốc ở khu chợ Đa Kao, quận 1, tổng cộng 3kg giá 45.000 đồng. Mỗi ngày anh bán được chừng hơn 200 tờ vé số, kiếm được hơn 200.000 đồng.
Có những hôm ế ẩm, mưa gió nhưng ngày nào anh cũng không quên rẽ vào thăm đàn chim.
Anh tâm sự, biết là mua vậy tốn kém, “thâm vô tiền vé số” nhưng anh thấy thương đàn chim, thôi thì bớt xài, tiết kiệm một chút.
“Chim trời cá nước, tôi cũng không biết đàn bồ câu này có từ lúc nào. Đàn chim lúc thì sà xuống ăn, lúc bay thành đàn vòng vòng trên mấy tán cây.
Như giờ ăn xong rồi là chúng đậu trên tòa nhà đằng kia”, anh rành “lịch sinh hoạt” đàn chim bởi với anh, chúng là một phần cuộc sống.
Cho chim ăn, anh thấy vui và còn quan sát tập tính của chúng.
“Chim sẻ thì ăn lúa sẽ đãi đãi, bỏ phần trấu, y như người ta cắn hạt dưa vậy. Còn bồ câu thì cỡ nào tụi nó cũng ăn”.
Sinh ra ở Sài Gòn, ba mẹ đã mất, anh vất vả kiếm sống với nửa bên người đã mất đi cảm giác. Đã vậy, tai nạn chấn thương sọ não trước đây khiến đầu anh hay đau nhức.
Thế nhưng anh Bình luôn nở nụ cười lạc quan.
Biết anh hay cho đàn bồ câu ăn, những anh bảo vệ công viên và nhiều người đến đây tập thể dục đều quen mặt, hỏi han.
Nhắc đến anh bán vé số hay cho chim ăn là ai cũng biết. Ông Tám xe ôm còn gọi anh là “ông bạn của chim”. Anh cũng có nhiều mối quen hay mua vé số.
Đàn bồ câu được nhiều người dân cho ăn
Không chỉ riêng anh Bình, một số người dân khi đi tập thể dục, người chạy xe ôm trước công viên cũng đem lúa, gạo… cho đàn bồ câu. Khi là bọc nhỏ vừa một bàn tay, khi là túi lớn.
Tập thể dục xong, con gái tới rước chị Kim Phượng (49 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) và mang theo bọc thức ăn cho chim. Cô sinh viên năm thứ ba trìu mến nhìn mẹ “tiếp tế” cho đàn bồ câu.
“Nhiều người cho ăn nên đàn bồ câu khoái vô đây. Chúng rủ nhau về đông lắm, thấy mình quen là sà lại” – chị kể.
Có những chú chim còn dạn dĩ đậu luôn trên tay chị.
Còn ông Châu (68 tuổi, ngụ quận 3) chở cháu trai ghé vào cho đàn chim mấy nắm lúa. Cậu bé thích thú cùng ông “cho chim ăn sáng”.
Theo ông Châu, khi chở bé đến lớp mẫu giáo, hai ông cháu hay ghé cho chim ăn. Đây cũng là cách cho cháu gần gũi thiên nhiên, yêu thương động vật.
Hai tiếng đồng hồ buổi sáng trôi qua, có 7 – 8 người ghé cho đàn chim ăn như vậy. Có cô gái cho ăn vội rồi vào công viên tập, có người đàn ông vừa cho chim ăn vừa nhẩn nha “trò chuyện với chúng”.
Có lúc đàn chim tản ra, lúc tụ lại rồi bất ngờ bay vụt lên cao.
Gần 9h, những vòng xe của anh Bình chuyển hướng qua quận 3. Đàn bồ câu ăn no, còn vài con lượm nhặt những hạt còn sót.