Bỗng dưng sau hơn 1 năm thi hành án dân sự xong xuôi, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao lại ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm. Vì sao vậy?
Vụ án dân sự giữa mẹ và vợ chồng con trai
Năm 2023, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên đương sự từng là “mẹ chồng, nàng dâu”.
Trước đó vào năm 2021, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xét xử sơ thẩm vụ án này.
Theo hồ sơ vụ án, năm 1997, bà Tạ Thị Xuân (trú thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng chồng là ông Nguyễn Duy Bậu được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp bán một lô đất (có nhà cấp 4) tại số 23 Lê Huân (TP Huế) với diện tích 198m2.
Lô đất này sau đó đứng tên ông Bậu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Do ở khu vực thường xuyên bị ngập lụt, nhà lại đông con nên vợ chồng bà Xuân đã đồng ý cho vợ chồng con trai cả của mình là ông Nguyễn Duy Nhất và bà Nguyễn Thị Hồng Vân bỏ tiền riêng ra xây một ngôi nhà kiên cố để cùng nhau ở.
Trong đơn khởi kiện, bà Xuân khẳng định vào năm 2001, vợ chồng ông Nhất, bà Vân đã chủ ý giả chữ ký của ông Bậu để làm hợp đồng chuyển nhượng lô đất trên từ tên chồng bà qua tên vợ chồng ông Nhất.
Bởi theo bà Xuân, trong hợp đồng giao dịch này có ghi tên bên chuyển nhượng là ông Bậu, bà Xuân và bên nhận chuyển nhượng là ông Nhất, bà Vân.
Tuy nhiên ở phần ký bên dưới chỉ có chữ ký của ông Bậu và ông Nhất, mà không hề có chữ ký của bà Xuân và bà Vân.
“Vào thời điểm này, chồng tôi bị tai biến nặng nằm liệt một chỗ nên không thể có chuyện tự ý cầm bút ký vào hợp đồng được. Đầu năm 2003 thì chồng tôi mất”, bà Xuân nói.
Thủ tục chuyển nhượng lô đất hoàn tất, trong khi cả gia đình bà Xuân không hề hay biết. Mãi đến năm 2018, do sống không hạnh phúc, ông Nhất và bà Vân quyết định ly hôn với tài sản chung gồm nhà, đất tại số 23 Lê Huân. Mọi việc vỡ lẽ từ đây.
Trong đơn khởi kiện của mình, bà Xuân đề nghị TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng khu đất số 23 Lê Huân giữa ông Bậu và vợ chồng ông Nhất, bà Vân vì cho rằng vợ chồng con trai đã giả chữ ký của chồng mình nhằm chiếm đoạt khu đất nói trên.
Có căn cứ vi phạm điều cấm của pháp luật
Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định: Hợp đồng chuyển nhượng đất của vợ chồng bà Xuân cho vợ chồng ông Nhất không đúng quy định khi trên hợp đồng có tên 4 người nhưng chỉ có chữ ký của 2 người.
Đồng thời tòa cũng cho rằng hợp đồng nói trên có dấu hiệu gian dối, không thể hiện ý chí của ông Bậu và vi phạm điều cấm của pháp luật nên đã tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng nói trên.
Bản án sơ thẩm cũng tuyên bà Xuân phải bồi thường 1 tỉ đồng cho vợ chồng ông Nhất, bà Vân vì đã bỏ tiền xây dựng căn nhà. Ngay sau phiên tòa, phía bà Vân đã kháng cáo lên TAND cấp cao tại Đà Nẵng.
Ở phiên tòa phúc thẩm, ông Nhất (lúc này đã ly hôn với bà Vân và đang ở Đức) đã có đơn trình bày gửi tòa, xác nhận việc bố mẹ ông chưa bao giờ có ý định chuyển giao lô đất nói trên cho vợ chồng ông.
Ông Nhất cũng xin được xét xử vắng mặt và cam kết nhường lại toàn bộ số tiền đền bù từ phía bà Xuân cho bà Vân và các con thụ hưởng.
Sau khi xem xét lại toàn bộ vụ án, TAND cấp cao Đà Nẵng đã kết luận bản án sơ thẩm là đúng quy định của pháp luật nên đã không chấp nhận đơn kháng cáo của bà Vân.
Đồng thời, phía bà Xuân đã thống nhất nâng số tiền bồi thường cho bà Vân từ 1 tỉ lên 1,5 tỉ. Đề xuất trên được tòa và bà Vân chấp thuận.
Ngày 2-3-2023, việc thi hành án được hai bên thực hiện dưới sự chứng thực của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà Vân đã tự nguyện chuyển toàn bộ tài sản ra khỏi căn nhà số 23 Lê Huân sau khi nhận đủ 1,5 tỉ đồng tiền bồi thường.
Về phía mình, bà Xuân cũng đã đi làm lại sổ hồng đứng tên chính mình cùng các con hưởng quyền thừa kế khu đất. Khu đất này cũng được gia đình bà Xuân cho thuê, thực hiện kinh doanh.
Tại sao lại kháng nghị giám đốc thẩm khi các đương sự đã thỏa mãn?
Sau hơn 1 năm kể từ khi việc thi hành án đã hoàn tất, ngày 12-6-2024 vừa qua, gia đình bà Xuân bất ngờ nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm nói trên của TAND cấp cao tại Đà Nẵng.
Trong quyết định này, phía TAND tối cao cho rằng tòa phúc thẩm đã không xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ khác nên nhận định không đúng với thực tế vụ việc, dẫn đến việc tuyên án chưa đúng.
Do vậy, TAND tối cao quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm của vụ án dân sự nói trên, đồng thời tạm đình chỉ thi hành án vụ việc, mặc dù Cục Thi hành án dân sự Thừa Thiên Huế đã có văn bản cung cấp thông tin quá trình thi hành án.
Việc thi hành án dân sự đã xong từ lâu nên không có giá trị về mặt thực tế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng quyết định đình chỉ thi hành án của TAND tối cao trong vụ án này không có giá trị về mặt thực tế bởi việc thi hành án đã xong từ lâu.
Theo ông Cao, về nguyên tắc sau khi có kháng nghị, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ xử giám đốc thẩm, khi có quyết định giám đốc thẩm đồng ý với kháng nghị thì bản án buộc phải xét xử lại.
Việc xét xử sơ thẩm lại sẽ theo hướng nhận định của cấp giám đốc thẩm, khi đó tòa án cấp sơ thẩm phải giải quyết hậu quả của việc đã thi hành án xong hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đây bị hủy.
Theo khoản 2 điều 136, khoản 3 điều 135 Luật Thi hành án dân sự thì các đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc hoàn trả tài sản, phục hồi quyền tài sản đã thi hành án xong.
“Trên thực tế xét xử hiện nay của nhiều vụ án, việc giải quyết với thời gian rất lâu, quá trình thi hành án nhiều khi đã xong từ lâu mới có quyết định giám đốc thẩm lật ngược lại hoàn toàn kết quả so với ban đầu, người dân nhiều khi rất khổ cực và mệt mỏi để biết được một kết quả của quá trình tố tụng”, ông Cao nói.