Những điều cần lưu ý khi trẻ mắc bệnh sởi?
Lưu ý dấu hiệu trở nặng khi mắc bệnh sởi
Bác sĩ Dư Tấn Quy, trưởng khoa nhiễm – thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), cho biết trong ngày 21-8, tại khoa nhiễm – thần kinh có 38 bệnh nhi mắc bệnh sởi đang nằm điều trị. Hơn một tháng nay số trẻ mắc bệnh sởi nhập viện bắt đầu tăng nhưng tăng đột biến trong hai tuần nay.
Bác sĩ Quy cho hay nhiều bà mẹ trẻ, nhất là các bà mẹ 9X chưa biết bệnh sởi là gì vì chưa một lần được nhìn thấy bệnh sởi. Do vậy, một số ít bà mẹ thấy con bị sốt, phát ban đưa con đi khám ngay trong khi nhiều bà mẹ đến khi con bị biến chứng viêm phổi mới đưa đi khám.
Bên cạnh đó, cũng có những bà mẹ có con mắc bệnh sởi nhẹ nên được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi trẻ có những dấu hiệu trở nặng những bà mẹ này lại không đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay.
Những bà mẹ này cho rằng đêm bệnh viện không khám bệnh, hoặc chắc trẻ không bị sao và ráng đợi đến sáng mai mới đưa trẻ đi khám.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Quy, trẻ mắc bệnh sởi có những dấu hiệu trở nặng mà không được đưa đến cơ sở y tế điều trị ngay sẽ làm bệnh trẻ càng nặng thêm, có thể có biến chứng hoặc có biến chứng rồi sẽ thêm những biến chứng khác.
Do vậy, bác sĩ Quy nhấn mạnh dù đang trong đêm, trẻ mắc bệnh sởi có dấu hiệu trở nặng, cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời.
Những dấu hiệu trở nặng cần lưu ý là sốt cao không hạ, sốt co giật, nôn ói nhiều, không thể ăn uống được, li bì gọi không dậy được…
Giữ vệ sinh, tránh lây cho người xung quanh
Hiện trong cộng đồng đã có nhiều trẻ mắc bệnh sởi. Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây nhanh trong các bệnh truyền nhiễm hiện nay.
Một trẻ mắc bệnh sởi có thể lây cho 12-18 trẻ. Do vậy, khi trẻ mắc bệnh sởi gia đình trẻ cũng cần cách ly trẻ để tránh lây cho những người xung quanh.
Các bậc cha mẹ cần cách ly trẻ trong 5 ngày tính từ ngày trẻ bắt đầu phát ban. Trong thời gian này không nên cho trẻ ra ngoài, để tránh lây bệnh cho người xung quanh.
Còn khi trẻ trở nặng đưa trẻ đi khám cần gọi xe cứu thương hoặc xe taxi và đưa trẻ vào thẳng khoa cấp cứu của bệnh viện.
Bác sĩ Quy cũng nêu ra một thực tế, nhiều bà mẹ đã quên đưa con đi tiêm ngừa vắc xin sởi. Khi bác sĩ hỏi các bà mẹ sao không đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi, các bà mẹ đã đưa ra nhiều lý do khác nhau.
Có bà mẹ chia sẻ do kinh tế sa sút nên phải lo đi làm, giao con cho ông bà chăm sóc và quên mất việc tiêm ngừa cho trẻ. Có bà mẹ lo tác dụng phụ của vắc xin…
Các bác sĩ cho rằng trước số ca sởi gia tăng, tình hình đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc tiêm ngừa cho trẻ là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sởi.
TP.HCM triển khai chiến dịch tiêm ngừa sởi
TP.HCM đang triển khai các giải pháp để tăng miễn dịch cộng đồng, như chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi bất kể tiền sử tiêm chủng, dự kiến bắt đầu từ ngày 24-8.
Phân luồng bệnh nhân ngay khi tiếp nhận
Ngày 21-8, Bệnh viện Nhi đồng 2 có 9 ca sởi đang nằm điều trị, trong đó có 1 ca 12 tháng tuổi mắc bệnh sởi nặng phải thở máy và chưa từng chích ngừa một mũi vắc xin sởi nào.
Trước tình hình bệnh sởi trên địa bàn TP.HCM diễn biến phức tạp, mới đây để đảm bảo an toàn, giảm thiểu lây nhiễm bệnh sởi trong cơ sở khám chữa bệnh, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã đề nghị Sở Y tế TP khẩn trương thực hiện các hoạt động phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi.
TS Phạm Ngọc Thạnh, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết Bệnh viện Nhi đồng 2 đã phân luồng cho bệnh nhân nghi ngờ sởi ngay từ nơi tiếp nhận bệnh nhi để tránh lây bệnh cho những bệnh nhi khác.
Còn với những bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh sởi thì sẽ được đưa về phòng cách ly của khoa nhiễm hoặc khu hồi sức cấp cứu nhiễm.