Do gián đoạn tiêm chủng trong và sau đại dịch COVID-19, tỉ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2023 trên địa bàn TP.HCM chỉ mới đạt 89,2%; tỉ lệ tiêm chủng vắc xin sởi mũi 2 cho trẻ sinh năm 2019 đến 2022 chưa đạt 95%.
“Trẻ em cần thiết tiêm 2 liều vắc xin sởi”
Giải đáp thắc mắc này, ThS.BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn – giám đốc Trung tâm Xét nghiệm y sinh học lâm sàng và dịch vụ khoa học kỹ thuật, Viện Pasteur TP.HCM (Bộ Y tế) – cho biết theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi.
Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.
Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi, thì tỉ lệ bảo vệ là 90-95%.
Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch, có thể bền vững suốt đời.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêm đủ 2 liều vắc xin sởi cho tất cả trẻ em nên là tiêu chuẩn cho tất cả các chương trình tiêm chủng quốc gia.
Ở các quốc gia vẫn đang có tình trạng lây truyền bệnh sởi, trong đó nguy cơ tử vong do sởi vẫn cao.
Do đó nên tiêm vắc xin sởi mũi 1 khi trẻ được 9 tháng tuổi và mũi 2 khi được 15 – 18 tháng tuổi, để làm giảm tỉ lệ tích tụ ở trẻ dễ mắc bệnh và nguy cơ bùng phát dịch.
Còn theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trẻ em nên tiêm 2 liều vắc xin sởi – quai bị – rubella (MMR), bắt đầu với liều đầu tiên từ 12 – 15 tháng tuổi và liều thứ hai từ 4 – 6 tuổi.
“Tất cả các khuyến cáo đều yêu cầu trẻ em cần thiết tiêm 2 liều vắc xin sởi (dạng đơn, hoặc phối hợp). Với 2 liều vắc xin này thì khả năng bảo vệ của vắc xin với cơ thể trẻ là từ 90-95% theo công bố của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hoặc 97% theo khuyến cáo của WHO, CDC.
Như vậy với số lượng tiêm đủ 2 mũi vắc xin coi như có miễn dịch bền vững suốt đời”, bác sĩ Anh Tuấn kết luận.
Không cần thiết tiêm thêm khi trẻ đã tiêm đầy đủ 2 mũi đúng lịch
Bác sĩ Anh Tuấn cho rằng dịch sởi xảy ra do tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin theo lịch chưa cao, và chưa bao phủ tất cả trẻ em.
Về góc độ miễn dịch học và hiệu quả của vắc xin, các chuyên gia y tế đều đồng thuận về việc cần thiết phải điều tra tiền sử tiêm chủng.
Nếu trẻ đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin sởi theo đúng lịch, đặc biệt là trẻ đã có tiêm sởi đơn lúc 9 tháng tuổi và có thêm 2 mũi vắc xin kết hợp sởi – quai bị – rubella (MMR) lúc 12 – 15 tháng và lúc 4-6 tuổi thì không cần thiết phải tiêm nữa.
Có một tỉ lệ rất nhỏ trẻ không đáp ứng kháng thể sau tiêm 2 liều vắc xin sởi (chiếm khoảng 3%) và các trẻ này có thể mắc bệnh sởi nếu phơi nhiễm với vi rút sởi.
Các chuyên gia vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân, có thể do hệ miễn dịch. Tuy nhiên dù các đối tượng này không có đáp ứng sau khi tiêm đầy đủ lịch tiêm 2 mũi, thì triệu chứng cũng nhẹ hơn và tỉ lệ lây lan cũng thấp hơn, nếu sau đó mắc sởi.
Về tình hình bệnh sởi tại nước ta, bác sĩ Anh Tuấn cho biết trong thời gian qua, dịch xảy ra với quy mô nhỏ, tản phát, rải rác ở một số tỉnh.
Bệnh xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm, hoặc đã được tiêm chỉ một mũi lúc 9 tháng tuổi, hoặc đã được tiêm mà vì một lý do nào đó trẻ không có đáp ứng miễn dịch tốt, hoặc trẻ dưới 9 tháng tuổi sinh ra từ những bà mẹ mà trước đó chưa được tiêm vắc xin sởi hay chưa từng mắc sởi.
Riêng tại TP.HCM, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế trên địa bàn TP là 597 ca, trong đó số ca dương tính với sởi là 346 ca (bao gồm 153 trẻ cư ngụ tại TP.HCM và 193 trẻ cư ngụ tại các tỉnh, thành khác).
Về phân bố theo phường, xã ghi nhận bệnh sởi đã xuất hiện tại 57 phường, xã thuộc 16/22 quận, huyện, TP Thủ Đức.