Ông Phạm Quang Huy được Trường đại học Kinh tế TPHCM bổ nhiệm là phó trưởng phòng đào tạo nhà trường vào tháng 3-2023. Đến tháng 10-2023, Trường đại học Kinh tế TPHCM chuyển đổi thành Đại học Kinh tế TPHCM, và phòng đào tạo chuyển thành ban đào tạo UEH.
Vào năm 2023, ông Phạm Quang Huy là tác giả cuối của bài báo bị một tạp chí quốc tế gỡ bỏ. Theo ông Huy, mặc dù được ghi tên vào nhóm tác giả bài báo nhưng thực sự ông không tham gia viết.
Sau đó, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) chỉ đề nghị ông Huy nghiêm túc rút kinh nghiệm và tuân thủ các quy định của liêm chính học thuật. Năm nay, thêm một bài báo của ông bị một tạp chí khác gỡ bỏ.
Trích dẫn nhiều bài không liên quan
Tạp chí Environmental Science and Pollution Research của Nhà xuất bản Springer vừa thông báo gỡ bỏ (retracted) bài báo xuất bản năm 2022 của nhóm sáu tác giả Đài Loan, Malaysia và Việt Nam.
Bài báo bị gỡ bỏ có tên “Role of energy consumption and sustainability-oriented eco-innovation on economic growth: evidence from Middle Eastern economy”, xuất bản ngày 9-8-2022.
Thông báo gỡ bài nêu rõ: “Một cuộc điều tra của nhà xuất bản đã phát hiện ra một số bài báo, gồm bài báo này, có một số vấn đề đáng quan tâm, nhưng không chỉ giới hạn ở quy trình bình duyệt bị thao túng, trích dẫn không phù hợp hoặc không liên quan, chứa các cụm từ không chuẩn hoặc không nằm trong phạm vi của tạp chí.
Dựa trên những phát hiện của cuộc điều tra, nhà xuất bản, sau khi tham khảo ý kiến của tổng biên tập, do đó không còn tin tưởng vào kết quả và kết luận của bài báo này”.
Ngay sau khi bài báo của PGS.TS Phạm Quang Huy bị gỡ bỏ, cộng đồng khoa học trong và ngoài nước tiếp tục tố cáo tác giả này “không trung thực trong nghiên cứu”.
Nhiều người thắc mắc: “Năm ngoái, một bài báo khác của ông Huy (là tác giả cuối) đăng trên tạp chí Optik chuyên về vật lý quang học đã bị gỡ bỏ. Thông báo gỡ bài của tạp chí Optik nhắc đến mẩu quảng cáo bán bài trên mạng xã hội có tiêu đề rất giống tên bài báo bị gỡ của ông Huy.
Năm nay, trong bài vừa bị tạp chí Environmental Science and Pollution Research gỡ bỏ, ông Huy cùng nhóm tác giả đã trích dẫn nhiều bài không liên quan trên các tạp chí săn mồi, giả mạo. Liệu tác giả có liên quan gì đến việc mua bán những bài báo này trên mạng?”.
Trong khi đó, một nhóm nhà khoa học tại Mỹ đã gửi đến Tuổi Trẻ loạt bài báo của Phạm Quang Huy, được ông này khai “tạp chí thuộc danh mục Scopus”, nhưng sự thật là hầu hết tạp chí này chưa từng vào Scopus hoặc đã bị loại khỏi Scopus trước khi ông Huy đăng bài. Nhiều bài báo của ông Huy không được đánh chỉ mục (indexed) trong Scopus (Scopus là danh mục cơ sở dữ liệu các bài báo từ các tạp chí uy tín – PV).
Một học giả đang làm việc tại Anh cho hay: “Phạm Quang Huy còn nhiều bài báo khác cũng đứng tên chung với các tác giả ở nước ngoài. Đáng nói những bài này không thuộc chuyên môn của ông Huy.
Các tác giả đến từ nhiều nước, chuyên môn rất khác nhau, dường như chẳng có liên hệ gì với nhau. Việc tác giả không thể chứng minh đóng góp chính là một trong những lý do các tạp chí gỡ bài”.
Chưa thể kết luận việc mua bài
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện UEH cho biết vào tháng 5-2024, khi có thông tin về một số bài báo của Phạm Quang Huy bị cảnh báo trên Pubpeer, nhà trường đã mời người này họp để trao đổi.
Tại buổi làm việc trên, nhà trường cho hay qua rà soát các bài báo của UEH, trường nhận thấy ông Huy có nhiều bài với các tác giả ở nhiều nơi khác nhau, trong đó có các tác giả người nước ngoài như Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi…
Trường đã đặt nhiều câu hỏi với ông Huy: Có biết gì về các tác giả này không? Có tham gia vào quá trình viết và có minh chứng về việc đã đóng góp vào các bài báo hay không?
Giải trình với nhà trường, ông Huy cho biết: “Bản thân tôi là nhà khoa học và đã thực hiện nghiên cứu, công bố nhiều công trình khoa học dưới dạng bài báo trên tạp chí trong nước, bài viết kỷ yếu hội thảo quốc gia và quốc tế, các chương sách, tạp chí quốc tế từ năm 2008 đến hiện tại.
Trong quá trình tham gia vào cộng đồng khoa học hay tham gia các hội thảo, tôi có dịp gặp gỡ nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Do đó, một số tác giả đó đã có những công bố chung với tôi trong các công trình là hiển nhiên và phù hợp.
Tuy nhiên, trong các bài viết cụ thể, tôi có thể không biết hết tất cả tác giả vì có thể trong công trình đó tôi chỉ là một thành viên mà không phải tác giả liên hệ. Việc biết tác giả và việc làm chung với họ là hai vấn đề khác nhau”.
Đại diện UEH cho hay về việc liên hệ với tạp chí, theo ông Huy, ngay sau khi nhận được email thông báo từ tạp chí về việc sẽ gỡ bài báo, ông đã email đến tạp chí 3 lần để yêu cầu tạp chí giải thích lý do rút bài nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào từ tạp chí. Do đó ông Huy đã phản đối việc gỡ bài.
“Nhà trường có tài trợ cho bài báo trên, nhưng ngay sau khi bài báo bị gỡ, trường đã thu hồi kinh phí theo quy định. Dựa trên những thông tin và bằng chứng được thu thập, UEH chưa thể kết luận có việc mua bán bài hay không.
Chúng tôi đang tiếp tục làm rõ để có phương án xử lý vấn đề một cách thấu đáo, hợp tình, hợp lý đối với trường hợp này. Thầy Phạm Quang Huy có đơn xin thôi vị trí phó trưởng ban đào tạo từ ngày 3-7. Đảng ủy nhà trường đã thông qua, chấp nhận đơn và đang xử lý đơn theo quy trình”, vị này cho biết thêm.
Nhiều nghi ngờ đối với các bài báo
Ông Phạm Quang Huy được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư năm 2020. Đáng chú ý, trong hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư, ông Huy tự khai đã công bố 88 bài báo/báo cáo khoa học trên các kỷ yếu/tạp chí khoa học trong và ngoài nước (từ năm 2008 – 2022).
Tuy nhiên, theo các học giả, nhiều thông tin ông Huy khai “không trung thực và phần lớn bài báo quốc tế đều đăng trên các tạp chí giả mạo, săn mồi hoặc bị loại khỏi Scopus”.
Một tác giả có 48 bài báo được thưởng, tài trợ
Một tác giả khác của UEH là ThS Ngô Quang Thành cũng có đến 4 bài báo vừa bị các tạp chí quốc tế gỡ bỏ. UEH cho biết ông Ngô Quang Thành bắt đầu làm việc cho UEH từ ngày 2-11-2020 tại khoa quản lý nhà nước, nhưng người này chính thức nghỉ việc từ ngày 31-10-2023.
Trong thời gian công tác cho UEH, ông Thành có tổng cộng 48 bài báo đã nhận được thưởng, tài trợ từ UEH. Do ông Thành đã thôi việc, nhà trường đã liên hệ qua email yêu cầu giải trình và đang đợi phản hồi để có hướng xử lý phù hợp.