Cùng với các bạn trong nhóm Ceres, Beyza Kaya (17 tuổi) đã tận dụng trí tuệ khoa học của mình thực hiện Plantzma. Ý tưởng bắt nguồn từ những thách thức nông nghiệp mà nhóm quan sát từ gia đình, cộng đồng.
BEYZA KAYA
“Khu vực này ít điều kiện tiếp cận các nguồn lực như giáo dục nên họ phải đối mặt với những vấn đề lớn do hạn hán và mất mùa. Lượng mưa giảm 40% dẫn đến tình trạng mất mùa 80%” – Beyza nói.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, mất mùa dự kiến cao gấp 4,5 lần trên toàn cầu vào năm 2030 và gấp 25 lần vào năm 2050.
Điều này không chỉ tác động đến sinh kế của nông dân, an ninh lương thực mà còn dẫn đến việc dùng phân bón quá mức, ô nhiễm và suy thoái đất.
Beyza cùng nhóm giải quyết với Plantzma bằng cách tận dụng plasma tạo ra những cây trồng tốt và nhiều nước tưới tiêu. Với 176 euro (khoảng 4,8 triệu đồng), một thiết bị có thể ngăn chặn mất mùa tới 60% và giảm sử dụng phân bón đắt tiền tới 40%.
Diyar (18 tuổi) – một thành viên khác – giải thích plasma, trạng thái thứ tư của vật chất bên cạnh rắn, lỏng và khí là không khí bị ion hóa tăng áp. Các hạt siêu nhiệt của plasma có năng lượng cao khiến electron tách ra khỏi nguyên tử, plasma dẫn điện dễ dàng.
Beyza nói plasma hiếm có trên Trái đất nhưng phổ biến trong vũ trụ. Để tạo ra nó cần không khí, hệ thống phóng điện với điện cực và hệ thống điện áp.
Thiết bị Plantzma sử dụng plasma ở nhiệt độ thấp theo hai cách. Nhóm sử dụng plasma tạo ra các vết nứt nano trên hạt giống trước khi trồng. Việc này giúp cải thiện tỉ lệ nảy mầm, tiềm năng phát triển và khả năng chống lại bệnh tật, hạn hán cùng các tác nhân môi trường khác.
Còn gián tiếp, họ xử lý nước tưới với plasma làm giàu các đặc tính có lợi cho cây phát triển. Quá trình này chuyển nước thành một loại phân bón plasma thân thiện môi trường, giàu nitơ, cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng, kích thích phát triển quả và rau.
Nhóm muốn xây dựng công nghệ plasma dễ tiếp cận nhất sao cho có thể mở rộng sử dụng ở nông thôn. Các bạn đang nỗ lực huy động vốn để hiện thực hóa ước mơ phát triển và mở rộng ra quốc tế.
Diyar nói rất tức giận với biến đổi khí hậu vì không chỉ là môi trường mà tác động đến cả kinh tế. Bạn ước mơ được làm việc ở Liên Hiệp Quốc và bày tỏ: “Nguồn nước có đủ cho chúng ta không? Chúng ta có thể giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không? Tôi thấy chính sách môi trường ở các nước kém phát triển và đang phát triển, nơi biến đổi khí hậu là một thách thức thực sự còn thiếu sót”.