Sáng 20-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có giải trình một số vấn đề tại phiên thảo luận về dự Luật Nhà giáo.
Sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt nếu đem lại tốt lành
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ ngày 20-11 năm nay có sự đặc biệt, niềm hạnh phúc của nhà giáo được nhân lên rất nhiều, bởi đúng thời điểm này Quốc hội thảo luận Luật Nhà giáo.
“Chưa nói nội dung, chỉ riêng việc Chính phủ, Quốc hội đồng ý xây dựng luật đã là một sự ghi nhận, động viên to lớn với các nhà giáo”, ông Sơn nêu rõ.
Bộ trưởng cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sắp xếp ngày 20-11 để Quốc hội thảo luận về luật này.
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trước ngày hôm nay, có một vài thầy cô nhắn tin bày tỏ băn khoăn đề nghị bộ trưởng kiến nghị Chủ tịch Quốc hội chuyển thảo luận sang ngày khác.
Lý do được các thầy cô đưa ra là “hôm nay cả triệu người chúng em ngồi theo dõi, nhỡ ra có ai nói gì đó đụng chạm, chúng em chắc không chịu nổi”.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Không sao, đây là một tinh thần bày tỏ, quan tâm rất lớn của Quốc hội dành cho nhà giáo. Mở đầu phiên thảo luận Phó chủ tịch Quốc hội đã phát biểu chúc mừng 20-11 và chúng tôi rất cảm động.
Có lẽ nhiều người hạnh phúc nhưng hôm nay tôi là người hạnh phúc nhất trên thế gian này”, ông Sơn phát biểu.
Bộ trưởng Sơn nêu rõ với luật này cũng phải chấp nhận một vài điểm quy định sẽ khác các luật khác, nếu như các quy định của các luật khác không thuận lợi cho phát triển đội ngũ nhà giáo.
Ông dẫn ví dụ quy định về tuổi nghỉ hưu sẽ khác với Bộ Luật Lao động hay giáo viên dạy liên trường, thuyên chuyển – một giáo viên làm việc cho hơn một cơ sở sẽ khác với quy định của Luật Viên chức.
“Ở đây các đại biểu thấy một số điểm khác nhưng nếu phục vụ cho mục tiêu để phát triển đội ngũ nhà giáo, cũng mong như đã sửa một số luật là nội dung nào cản trở sự phát triển, dẫu là khác nhưng khác đó đem lại điều tốt lành thì sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt”, ông Sơn nói.
Nhà giáo không chấp nhận mình sống sung sướng mà bên cạnh người khác nghèo hơn
Liên quan nội dung đảm bảo lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, Bộ trưởng Sơn nêu khi xây dựng các văn bản luật và theo chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng phải nhìn cùng các ngành khác.
“Chúng tôi cũng không muốn ngành của mình có gì đặc quyền, đặc lợi hay một gì đó ưu ái bất thường. Nhà giáo vốn dĩ là những con người cũng sống trách nhiệm, bao dung, vị tha.
Không thể nào mình sống sung sướng mà bên cạnh mình, người khác nghèo hơn mình. Nhà giáo không chấp nhận điều đó đâu.
Ở đây, chỉ vì một phần rất lớn trong số 1,6 triệu nhà giáo vẫn còn ở mức chưa đủ sống. Chưa đủ sống thì không thể toàn tâm, toàn ý cho dạy học được”, ông Sơn nêu rõ.
Thêm vào đó, ông chỉ rõ đối với một đất nước vừa mới thoát nghèo, chưa phải nước giàu và khi cần phải ưu tiên thì chắc chắn không thể “dàn hàng ngang ưu tiên cho tất cả mọi điều được”.
Do đó, ông cho rằng khi xét là đột phá chiến lược, quốc sách hàng đầu dứt khoát phải có sự ưu tiên.
Việc xác định cụ thể lương thế nào để đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu của nhà giáo, Bộ trưởng Sơn cho hay trong dự luật nêu ra một số nguyên tắc còn Chính phủ sẽ quy định cụ thể.
Đối với việc dạy thêm của nhà giáo được nhiều đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Sơn nêu rõ bộ đang chủ trương không cấm việc dạy thêm, nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo, vi phạm những nguyên tắc chuyên môn. Tức cấm một số hành vi ép của nhà giáo trong vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu quá trình thảo luận một số đại biểu cho rằng vì nhà giáo khó khăn nên phải làm luật này.
Tuy nhiên, ông giải thích khó khăn của nhà giáo chỉ là một phần của lý do. Còn lý do chính yếu để làm luật này nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo.