Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Xét tuyển đại học sớm có tác động tiêu cực

Thí sinh dự Ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024 tại TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN

“Các trường đại học có quyền tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm mà tự chủ trong khuôn khổ quy định”, Bộ trưởng lưu ý tại hội nghị giáo dục đại học 2024 diễn ra ngày 9-8.

Bất công bằng

Theo ông Sơn, việc các trường đại học xét tuyển sớm có tác động tiêu cực đến giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối, thí sinh đỗ sẽ không học nữa. Trong khi đó các trường chỉ yên tâm số lượng thí sinh xét tuyển vào trường mình, số còn lại tuyển theo các phương thức khác rất ít, điểm chuẩn sẽ rất cao. Từ đó tạo ra sự bất công bằng giữa các thí sinh trong việc lựa chọn vào các trường đại học tốt.

Theo báo cáo tại hội nghị, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 1.071.395 thí sinh, trong đó có hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, chiếm khoảng 68,48% số thí sinh dự thi. Bà Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho rằng đây là chỉ số tăng tốt, hứa hẹn một mùa tuyển sinh chất lượng.

Tuy vậy, bà Thủy cũng cho biết năm 2024 vẫn có những cơ sở đào tạo còn nhiều phương thức xét tuyển phức tạp. Một số nơi chưa đảm bảo tính công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Tuy có hệ thống lọc ảo của Bộ GD-ĐT nhưng nhiều trường xét tuyển sớm vẫn không dự báo được số lượng thí sinh ảo.

Trong phần thảo luận tại hội nghị, PGS.TS Trần Thiên Phúc, phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng thời điểm các trường xét tuyển sớm, thực chất học sinh lớp 12 vẫn chưa hoàn thành chương trình THPT là không hợp lý.

Chưa kể trong công tác tuyển sinh, có những trường yêu cầu thí sinh phải đặt nguyện vọng xét tuyển sớm lên đầu trong thứ tự nguyện vọng đăng ký lên hệ thống. Việc này vừa không công bằng giữa các cơ sở đào tạo vừa làm mất cơ hội của thí sinh.

Ông Phúc cũng không tán thành việc đưa nhiều phương thức xét tuyển rồi phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức. Vì việc phân bổ này không có cơ sở thuyết phục, không đảm bảo công bằng giữa thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau vào cùng một ngành, trường.

PGS.TS Lê Thành Bắc, phó giám đốc Đại học Đà Nẵng, cũng đưa ra con số tỉ lệ ảo trong xét tuyển sớm những năm gần đây vẫn ở ngưỡng 200% mặc dù Bộ GD-ĐT đã hỗ trợ các trường trong việc chạy lọc ảo trên hệ thống.

Các cháu trúng tuyển sớm sẽ không học nữa. Các trường chỉ yên tâm cho số sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Xét tuyển đại học sớm có tác động tiêu cực- Ảnh 3.Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Đề xuất bỏ xét tuyển sớm

Ông Phúc kiến nghị thẳng “nên bỏ quy định xét tuyển sớm”. Ông Phúc chia sẻ thực tiễn mà Trường đại học Bách khoa TP.HCM đã làm, đó là phương án tuyển sinh tổng hợp. Trường sử dụng gộp tất cả các tiêu chí: điểm thi đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp, điểm học bạ, thay vì tách ra thành các phương thức tương ứng với số chỉ tiêu được phân bổ. Ông Phúc cho rằng cách làm này đảm bảo công bằng hơn với thí sinh.

Ông Bắc cho rằng nếu vẫn duy trì nhiều phương thức xét tuyển thì từ năm 2025 cần có thêm quy định các cơ sở giáo dục đại học chỉ được công bố trúng tuyển sau khi thí sinh đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong khi đó, GS.TS Phạm Hồng Quang đề nghị năm 2025, nên cân nhắc giảm phương thức xét tuyển bằng học bạ, giảm bớt các phương thức xét tuyển tăng cơ hội cho thí sinh xét tuyển bằng điểm thi.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn yêu cầu Vụ Giáo dục đại học khẩn trương phối hợp để có dự thảo sớm nhất phương án tuyển sinh 2025. Phương án tuyển sinh phải thực hiện tinh thần chỉ đạo của bộ trưởng, làm sao đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng cũng như công bằng cho thí sinh.

Các trường thực hiện tự chủ nhưng không có tác động xấu tới giáo dục phổ thông, mà cần phải có tác động tích cực hơn đối với giáo dục phổ thông.

Ông Sơn cũng khuyến khích các trường đại học đưa ra những sáng kiến, kinh nghiệm từ thực tế tuyển sinh. Ông cũng cho rằng cần quan tâm đến tuyển sinh đa dạng, vì xét ở khía cạnh tích cực, việc xây dựng phương án tuyển sinh kết hợp nhiều phương thức, tiêu chí là hướng đi phù hợp, đáp ứng nhu cầu của các ngành đặc thù, đảm bảo công bằng với thí sinh.

Đảm bảo công bằng trong xét tuyển

Theo PGS.TS Trần Thiên Phúc, thực tế tuyển sinh đại học hiện nay đang có quá nhiều phương thức xét tuyển đã gây rối rắm cho thí sinh và phụ huynh. Để giảm bớt sự rối rắm này và theo hướng tuyển sinh công bằng với mọi thí sinh, các trường có thể tham khảo phương thức xét tuyển tổng hợp được Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) áp dụng từ năm 2022 đến nay.

Với xét tuyển tổng hợp thí sinh được đánh giá kết hợp các thành tố và trọng số tương ứng dùng để xét tuyển. Cụ thể: tiêu chí học lực (90%), bao gồm ba thành phần là điểm học tập ở bậc THPT (sáu học kỳ ứng với tổ hợp đăng ký xét tuyển); điểm thi tốt nghiệp THPT (các môn trong tổ hợp xét tuyển); điểm thi đánh giá năng lực và hoạt động xã hội, văn thể mỹ.

Ông Phúc cho rằng việc đưa ra nhiều phương thức xét tuyển rồi chia phần trăm khác nhau cho từng phương thức là không có cơ sở, gây mất công bằng cho thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau.

Nếu áp dụng phương thức xét tuyển tổng hợp sẽ đảm bảo công bằng. Năm đầu tiên xét tuyển phương thức này, trường nhận được 8.500 nguyện vọng đăng ký nhưng năm nay con số này tăng gần gấp đôi là 17.200.

Phải giữ vững phong độ

PGS.TS Vũ Thị Hiền – trưởng phòng đào tạo Trường đại học Ngoại thương – cho biết khi thực hiện công tác xét tuyển sớm, nhất là phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả học bạ, Trường đại học Ngoại thương đã tính toán rất kỹ, phối hợp thêm những điều kiện ràng buộc gắn với kết quả học tập và điểm thi tốt nghiệp THPT, do vậy các thí sinh dù xét tuyển sớm nhưng vẫn phải duy trì tốc độ học tập, không thể chểnh mảng học tập trong những học kỳ cuối.

Với phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập THPT (học bạ) ngoài điều kiện điểm học bạ, trường còn ra điều kiện thí sinh phải có điểm thi tốt nghiệp THPT một tổ hợp xét tuyển bất kỳ của trường đạt từ 24 điểm trở lên. Từ điều kiện này, thí sinh vẫn phải duy trì phong độ học tập, nội dung học tập xuyên suốt để đảm bảo ngưỡng tối thiểu trung bình 8 điểm/môn khi thi tốt nghiệp THPT.

“Điều quan trọng, phương thức tuyển sinh phải giữ ổn định, rõ ràng và có tính dự báo, tạo thuận lợi cho thí sinh chuẩn bị điều kiện cho các phương thức xét tuyển từ sớm. Nguyện vọng trúng tuyển sớm của thí sinh như thêm một quyền lợi có thể dùng hoặc không, một thí sinh có thể trúng tuyển sớm nhiều trường và phải trải qua bước lọc ảo của bộ” – bà Hiền nói.

7 tháng công bố hơn 10.000 bài báo khoa học

Theo thống kê công bố tại hội nghị giáo dục đại học, chỉ trong bảy tháng đầu năm 2024, 67 cơ sở giáo dục đại học đã công bố hơn 10.000 bài báo khoa học trên Scopus, chiếm 84,4% số bài báo của cả nước.

Bà Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – cho biết trong những năm qua, kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có xu hướng tăng vững chắc và bền vững ổn định, các cơ sở giáo dục đại học cũng luôn đóng vai trò chủ đạo trong công bố khoa học của cả nước.

Trong năm 2023, các đơn vị trực thuộc bộ đã công bố 1.159 bài báo Q1, 1.052 bài báo Q2 trên tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục WoS; 3.244 bài báo trên tạp chí khoa học Scopus.

Về số bài báo công bố trên các ấn phẩm Scopus trong ba năm (từ tháng 1-2022 đến hết tháng 7-2024), riêng 67 cơ sở giáo dục đại học đã chiếm 83,5% số bài của cả nước.

Kết quả cũng cho thấy mảng khoa học tự nhiên và kỹ thuật đang là thế mạnh lớn trong công bố khoa học của các cơ sở giáo dục đại học.

Bà Thủy nhận định từ xu hướng này có thể thấy các trường đang hướng vào những tạp chí chất lượng chứ không còn chỉ chạy theo số lượng, nhiều đề tài đóng góp quan trọng cho các ngành công nghiệp, phát triển kinh tế – xã hội…

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *