Ngày ông Nguyễn Viết Thành nhận tin trúng tuyển theo hệ liên thông đại học ngành y khoa, còn con gái Nguyễn Thị Thanh Bình thì trúng tuyển vào ngành y học dự phòng của trường, ông Thành như vỡ òa hạnh phúc khi gia đình chính thức có 3 người cùng theo đuổi ngành y.
Học để cổ động tinh thần “học không bao giờ là muộn”
Ông Thành cho biết bản thân sinh ra trong gia đình nông dân nghèo tại xã Thụy Bình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Nhà chỉ có hai mẹ con. Năm 4 tuổi ông mắc bệnh bại liệt, để lại di chứng liệt chân phải đến bây giờ.
Khi học hết cấp III, ông thi đỗ vào một trường đại học, tuy nhiên nghĩ đến hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, một mình mẹ không thể lo nổi học phí nên ông rẽ ngoặt qua học trung cấp y để có thể rút ngắn thời gian.
“Thời gian tôi học trung cấp y 3 năm 6 tháng, mẹ tôi đã phải vay mượn thóc gạo khắp nơi để trang trải học phí, sinh hoạt phí cho tôi. Năm 2001 ra trường, đến năm 2004 tôi chính thức được vào biên chế tại trạm y tế xã.
Quá trình làm việc, nhiều lần tôi muốn học thêm lên đại học để nâng cao tay nghề, thế nhưng vì phải lo trả nợ, cùng vợ nuôi 3 con ăn học nên dự định cứ mãi dang dở.
Đến khi kinh tế ổn định hơn thì lại ưu tiên cho vợ theo học 3 tấm bằng gồm đại học sư phạm, cao đẳng dược và y sĩ đa khoa”, ông Thành nói.
Ông Thành cho biết sở dĩ bản thân muốn theo đuổi ngành y và muốn cả vợ và con gái cùng theo ngành này là xuất phát từ câu chuyện của chính mình. “Từ nhỏ tôi thường xuyên ốm đau, chân lại bị khuyết tật nên muốn bản thân học nghề y để giúp đỡ mọi người. May mắn cả vợ và con gái đều ủng hộ và quyết định theo đuổi nghề cùng tôi”, ông Thành chia sẻ.
Năm 2023, khi thấy vợ đã học gần xong ngành y sĩ đa khoa tại Trường cao đẳng Y tế Thái Bình, ông Thành quyết tâm cùng con gái xét tuyển vào Trường đại học Y Dược Thái Bình.
Sau khi nhận tin vui cả hai bố con đều trúng tuyển, ông đã xin thôi giữ chức trưởng Trạm Y tế xã Thụy Văn để theo học đại học và xin chuyển về Trạm Y tế xã Thụy Liên, cách nhà khoảng 700m, để ngoài thời gian đi học có thể khám bệnh.
Khi U50 học trường y cùng gen Z
Vì gia đình cả 5 người cùng đi học, để tiết kiệm chi phí, ông Thành thuê cho con gái một phòng trọ ở gần trường, còn ông di chuyển quãng đường khoảng 30km bằng xe buýt từ nhà tới trường mỗi ngày.
Lịch học kéo dài từ thứ 2 đến thứ 6, có tuần học cả thứ bảy. Đều đặn 5h30 sáng ông bước lên xe buýt tới trường, hôm nào học cả ngày thì khoảng 18h mới về tới nhà.
Trở thành “bạn học” cùng khóa với con gái thuộc thế hệ gen Z rất năng động, ông Thành cho biết những ngày đầu rất áp lực khi bản thân là “tân sinh viên” lớn tuổi nhất lớp, lo lắng không theo kịp những bạn trẻ gen Z. Thế nhưng ông cũng cho rằng đây cũng là điều may mắn.
“Học cùng khóa nên hai bố con cùng học, cùng thi đua. Vì có kinh nghiệm ở các môn thực hành giải phẫu nên tôi sẽ hỗ trợ con. Với môn tiếng Anh tôi yếu nhất đã nhờ con làm gia sư và “treo thưởng” nếu giúp bố ôn thi đạt được 5 điểm sẽ được thêm 500.000 đồng tiêu vặt. Cuối cùng tôi đã thi qua và còn được điểm cao hơn cả con gái”, ông Thành kể.
Theo ông vì kiến thức ngành y rất rộng, việc học và thi cũng đều rất khó, nhất là phải chạy đua cùng với những bạn trẻ. Để có thể tranh thủ học mọi lúc mọi nơi, ông sử dụng điện thoại ghi âm tất cả các bài giảng trên lớp, tự thu âm các bài tập vào điện thoại. Cứ khi nào rảnh, dù trên xe buýt hay trong ca trực lại mở ra nghe để nhớ bài lâu hơn.
Sau 1,5 năm theo học đại học, ông Thành cho biết đã tự tin, thích ứng tốt hơn. Lớp có 72 sinh viên thì kết quả học tập của ông luôn xếp ở top giữa.
Theo ông, việc đi học đại học là để nâng cao tay nghề, có chuyên môn tốt để phục vụ nhân dân tốt hơn. Ngoài ra, ông muốn cổ động tinh thần các con “học không bao giờ là muộn”. Ông Thành dự định học đại học xong sẽ tiếp tục về Trạm Y tế xã Thụy Liên công tác.
“Tôi khâm phục tinh thần ham học của bố”
Thanh Bình cho biết lúc nhận tin cả hai bố con cùng đỗ và học chung Trường đại học Y Dược Thái Bình cả nhà đã rất vui mừng, nhưng sau đó lại đắn đo vì nỗi lo kinh tế khi cả nhà 5 người cùng đi học.
“Bố tôi định tiếp tục gác lại việc học để tập trung lo học phí cho tôi, thế nhưng mẹ đã động viên nếu là tiền thì sẽ vay vốn sinh viên. Nếu tiếp tục lùi việc học thì không biết năm sau còn có cơ hội đỗ vào trường nữa không. Nhận được sự động viên từ mẹ, bố quyết tâm không bỏ lỡ cơ hội học đại học nữa”, Thanh Bình kể.
Là bạn học cùng khóa với bố, Thanh Bình cho biết những ngày đầu bản thân có chút hơi e ngại và lo khó được tự do, thế nhưng cảm giác này đã nhanh chóng biến mất vì hai bố con chính thức bước vào cuộc đua học tập.
“Để theo kịp chương trình học, đều đặn 4h sáng mỗi ngày bố tôi đều dậy học, tiện thể cắm luôn cơm sáng cho cả nhà. Ngoại trừ những lúc làm việc thì bất kể lúc nào bố tôi cũng học, học mọi lúc mọi nơi, đến lúc gần đi ngủ cũng bật bài giảng lên nghe đến khi ngủ thì thôi. Tôi khâm phục tinh thần ham học của bố. Đây cũng là nguồn động lực để tôi phấn đấu và noi theo”, Thanh Bình nói.
Thanh Bình tiết lộ từ lâu bố của nữ sinh đã ước mơ khi có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh sẽ mở một phòng khám chữa bệnh giá rẻ hoặc miễn phí để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Còn mẹ của nữ sinh chuẩn bị tốt nghiệp ngành y sĩ đa khoa và cũng đang có kế hoạch nộp đơn xét tuyển hệ đại học cùng chồng và con gái.